Ngày 26/5/2014, ông Narendra Modi chính thức đảm nhận cương vị thủ tướng đời thứ 14 của Ấn Độ. Con đường vươn lên thành người đứng đầu quốc gia của ông được đánh giá là một hành trình đầy kinh ngạc, theo ABC News.
Trái ngược với hầu hết các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, ông Modi không có xuất thân danh giá. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo tại một ngôi làng nhỏ ở bang Gujarat, phía tây Ấn Độ. Ngay từ lúc còn rất trẻ, ông đã theo cha đi bán trà dạo tại nhà ga xe lửa. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cha mẹ vẫn cố gắng để ông và các anh chị em học hành đầy đủ.
Gia đình sắp đặt hôn nhân cho Modi khi ông còn là một đứa trẻ nhưng ông lại quyết định trở thành một "sanyasi" (thầy tu hành khất Hindu).
"Ông rời nhà lúc 17 tuổi và dành khoảng ba năm lang thang khắp vùng núi Himalaya", Madhu Kishwar, tác giả cuốn sách "Modi, người Hồi giáo và Truyền thông", cho hay. "Không ai trong gia đình biết ông ở đâu. Ông ấy chỉ đem theo một chiếc túi nhỏ, vài bộ quần áo rối cứ thế biến mất, bặt vô âm tín".
"Không mang tiền nên ông sống như một sanyasi và làm bất cứ công việc gì. Quãng thời gian này giúp Modi xây dựng một niềm tin vững chắc rằng ông không thuộc về cuộc sống gia đình, hôn nhân hạnh phúc, thường nhật và buồn tẻ", Kishwar viết.
Kết thúc ba năm, ông Modi quay về và gia nhập Tổ chức Tình nguyện Quốc gia (Rashtriya Swayamsevak Sangh, RSS). Thành lập vào những năm 1920, RSS đề cao sứ mệnh phụng sự đất nước nhưng bác bỏ ý tưởng Ấn Độ là một nhà nước thế tục.
Năng lực tổ chức
Những ngày đầu ở RSS đối với Modi khá khó khăn. Ông phải rửa đĩa, cọ sàn và giặt quần áo cho các thành viên khác. Tuy nhiên, RSS cũng khuyến khích ông không bỏ bê học hành. Sau khi tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành khoa học chính trị, ông đi khắp đất nước thực hiện các nhiệm vụ tổ chức giao.
Theo Kishwar, Thủ tướng Modi đã đi qua 7.000 đến 8.000 ngôi làng Ấn Độ, xin ở cùng, ăn cùng tại chính những ngôi nhà của người dân bình thường, vậy nên, ông có một mối liên kết mạnh mẽ và thấu hiểu sâu sắc cuộc sống trong quần chúng nhân dân.
RSS khẳng định họ không phải một tổ chức chính trị nhưng có mối quan hệ gần gũi với đảng Bharatiya Janata (BJP), được thành lập năm 1980. RSS thường xuyên cho BJP mượn những thành viên có năng lực và Modi là một trong số đó. Ông nhận nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng cho BJP ở Gujarat.
Với hiểu biết chính trị của mình, ông Modi thiết lập nên một cơ cấu tổ chức mạnh mẽ và BJP đã lên nắm quyền ở Gujarat. Song vì quá thành công nên nhiều thành viên trong nội bộ đảng coi ông như mối đe dọa. Giữa những năm 1990, ông bị điều đến New Delhi.
Năm 2001, trận động đất kinh hoàng mạnh 7,9 độ richter đã tàn phá phần lớn bang Gujarat, khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng cùng hơn một triệu người mất nhà cửa. Nhưng đây là cơ hội trở về cho ông Modi.
Thủ hiến Gujarat lúc bấy giờ, ông Keshubhai Patel, tỏ ra thiếu năng lực trong việc xử lý khủng hoảng. BJP bắt đầu lo sợ việc để mất Gujarat ở cuộc bầu cử tiếp theo. Modi lập tức được chỉ định vào vị trí thủ hiến bang dù ông không có kinh nghiệm làm việc ở cương vị này.
"Ông ấy chưa từng bước chân đến văn phòng thủ hiến, thậm chí với tư cách một vị khách viếng thăm và rồi đột nhiên ngồi vào vị trí cao nhất ở thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử Gujarat", Kishwar nói.
Vài tháng sau khi ông Modi nhậm chức, một vụ bạo động tôn giáo nổ ra trên toàn bang. Khoảng 1.000 người đã thiệt mạng chỉ trong 4 ngày bạo loạn, hầu hết đều là người Hồi giáo. Cách ông Modi phản ứng trước vụ việc đã tạo ra nhiều cuộc tranh cãi và dư âm của chúng vẫn đeo bám Thủ tướng Ấn Độ tới tận ngày hôm nay.
"Chính quyền Gujarat bị lên án vì hành động không đủ quyết liệt", nhà quan sát chính trị Rohit Pradhan, cho biết. "Một số người tiến hành vụ bạo loạn là thành viên BJP, số khác có liên quan đến các nhánh của RSS. Những ý kiến chỉ trích cho rằng cuộc bạo loạn có thể được dập tắt sớm nếu lực lượng cảnh sát mạnh tay hơn".
Song, nhiều người lại bảo vệ cách làm của ông Modi và đổ lỗi cho "các thế lực cực đoan" trong cộng đồng Hồi giáo. Tòa án Tối cao Ấn Độ đã đánh giá vụ việc và cuối cùng tuyên bố không đủ bằng chứng để truy tố ông Modi.
Bất chấp những tranh cãi, ông Modi vẫn đứng vững trên cương vị thủ hiến bang Gujarat từ năm 2001 đến 2014. Suốt quãng thời gian này, ông tập trung thực thi các biện pháp cải tổ kinh tế, đưa bang Gujarat phát triển với tốc độ chóng mặt. Ngành nông nghiệp tăng trưởng 10% mỗi năm nhờ hệ thống điện và thủy lợi được cải thiện, nâng cấp. Đầu tư trong và ngoài nước cũng mở rộng đáng kể. Hình ảnh và uy tín của ông dần phục hồi.
Tuy nhiên, những tiếng nói phản đối lại chỉ ra rằng dù kinh tế bang Gujarat có phát triển nhưng các lợi ích không thể đến với tầng lớp người nghèo.
Theo ông Ashok Kotwal, giáo sư tại Đại học British Columbia, các chính sách mà ông Modi thực hiện không giúp cải thiện cuộc sống của đại bộ phận dân chúng. Thậm chí, Gujarat còn thụt lùi so với các bang khác ở một số mảng. Gujarat đứng thứ ba từ dưới lên trong danh sách xếp hạng chất lượng giáo dục. Từ năm 2001 đến 2011, Gujarat rơi từ vị trí thứ 6 xuống thứ 10 về khả năng tiếp cận nguồn điện và từ thứ 10 xuống thứ 14 về khả năng tiếp cận thông tin liên lạc.
Dù vậy, trong cuộc vận động tranh cử hồi năm 2014, ông Modi vẫn tập trung khai thác khía cạnh kinh tế, nhấn mạnh rằng ông sẽ làm thay đổi nền kinh tế Ấn Độ như những gì đã làm với bang Gujarat, đồng thời đề cao mục tiêu chống tham nhũng trong chính quyền.
Tháng 5 năm đó, ông đã lãnh đạo đảng BJP chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử, giành 282 trên 543 ghế được bầu trực tiếp tại hạ viện. Tổng số nghị sĩ trong liên minh cầm quyền BJP tăng lên 340 người. Chưa một đảng phái chính trị nào ở Ấn Độ thắng lợi với cách biệt lớn như thế từ năm 1984 đến nay.
"Đây là một bước thay đổi quan trọng", quan sát viên Rohit Pradhan nhận xét. "Điều đáng nói nhất trong cuộc bầu cử năm 2014 là ông Modi đã chiến thắng với điều kiện và cách thức của riêng mình".
Từ khi lên nắm quyền, chính quyền Modi hướng sự tập trung vào các quốc gia láng giềng cũng như những cường quốc châu Á. Thủ tướng Modi cũng đặt mục tiêu thay thế chính sách Hướng Đông đã được thực hiện hơn hai thập kỷ qua bằng chiến lược Hành động phía Đông nhằm củng cố quan hệ và mở rộng giao lưu kinh tế với các nước Đông Nam Á.
Khi mới nhậm chức, ông Modi đã chọn các nước châu Á để tiến hành những chuyến công du đầu tiên, như Bhutan, Nepal hay Nhật Bản. Ngày 2 - 3/9 tới, Thủ tướng Modi sẽ lần đầu thăm Hà Nội, khi Việt Nam được các chuyên gia đánh giá đóng một vai trò then chốt trong chính sách Đông Nam Á của Ấn Độ.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi là chỉ dấu cho "sự hiện diện của Ấn Độ ở Nam và Đông Á", tờ Economic Times của Ấn Độ bình luận.
Xem thêm: Lập trường cứng rắn của Ấn Độ về Biển Đông
Vũ Hoàng