Nhà ngoại giao Campuchia Chem Widhya cho rằng hiệp định thương mại tự do là trụ cột kinh tế, còn tuyên bố về biển Đông là trụ cột chính trị trong quan hệ ASEAN - Bắc Kinh.
Trung Quốc đã nhận ra cơ hội ở thị trường ASEAN với 500 triệu dân và rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997, Bắc Kinh đã chú trọng phát triển thương mại và đầu tư với các nước láng giềng Đông Nam Á, nhằm tạo ra một vòng xuất - nhập khẩu liên hoàn, để đẩy mạnh việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch.
Còn các nước Đông Nam Á tự thấy đang mất dần các khoản đầu tư nước ngoài vào tay Trung Quốc và tốt nhất là hợp tác với đối thủ này. Đầu tư trực tiếp (FDI) vào ASEAN năm 2000 là 10 tỷ USD, giảm 37% so với năm 1999 (16 tỷ USD). Trước khi khủng hoảng tài chính tiền tệ xảy ra, con số đó là 27 tỷ USD.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi cho rằng việc ký kết hiệp định thiết lập Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc - ASEAN, theo đề xuất của Thủ tướng Chu Dung Cơ hồi năm ngoái, sẽ là hành động "thiết thực" nhằm đảm bảo rằng Đông Á không thua kém tốc độ hội nhập thế giới của các khu vực khác. Thứ trưởng Wang nói: "Đây sẽ là khu vực thương mại tự do đầu tiên của các nước phương nam. Vì vậy, chúng tôi hy vọng nó sẽ là hình mẫu cho hợp tác Nam - Nam".
Thỏa thuận kinh tế đã ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2003. Với thị trường 1,7 tỷ dân và dòng thương mại hai chiều ước đạt 1,2 nghìn tỷ USD/năm, đây sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định thương mại tự do sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan, phi thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ, nhưng cũng có quy định đặc biệt linh hoạt với những nước mới gia nhập ASEAN (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Bắc Kinh cũng quyết định xóa khoản nợ 200 triệu USD cho Phnom Penh.
Trung Quốc và 6 nước ASEAN cũ (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) sẽ thực hiện quy định về khu vực thương mại tự do từ năm 2010. Những nước kém phát triển hơn (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) sẽ tham gia từ năm 2015. Khu vực thương mại tự do được thiết lập, nhằm xoa dịu mối lo ngại bị đẩy ra bên lề của các nước Đông Nam Á vì Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ cuối năm ngoái.
Khoảng 25% lượng tàu thuyền trên thế giới đi qua biển Đông. Đây cũng là cửa ngõ quan trọng với các tàu quân sự đi từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Biển Đông cũng là khu vực có tiềm năng dầu khí quan trọng. Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
Theo quy định trong Tuyên bố chung về ứng xử biển Đông, các bên sẽ kiềm chế những hoạt động có thể gây xung đột, như đưa người lên cư trú ở các đảo. Quan chức quốc phòng của các nước ký kết sẽ trao đổi quan điểm và báo trước cho nhau về các cuộc tập trận trong khu vực.
Sau lễ ký kết Tuyên bố chung, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ phát biểu: "Bước tiến triển quan trọng trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN này đánh dấu sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên và sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định khu vực". Tổng thư ký ASEAN Rodolf Severino thì bình luận: "Thỏa thuận này sẽ mang lại ổn định cho khu vực Đông Á".
Nguyễn Hạnh (theo Inter Press Service)