Quyết định phê duyệt đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014-2015 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký và có hiệu lực từ ngày 10/6. Theo đó, công ty TNHH một thành viên Thông tin di động VMS (Mobifone) sẽ được tách khỏi VNPT và điều chuyển nguyên trạng sang cho Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
Thông tin này từng được Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thông báo tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ hồi đầu tháng 4, nhưng đến nay, cơ quan quản lý mới có văn bản chính thức. Cũng theo kết luận của Thủ tướng, trong năm 2014, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ trình Chính phủ phương án cổ phần hóa VMS để phê duyệt và tổ chức triển khai.
Theo quyết định vừa được công bố, VNPT sẽ phải tổ chức lại các đơn vị đang kinh doanh dịch vụ viễn thông còn lại thành Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone). Nhà mạng này cũng trở thành doanh nghiệp hạch toán độc lập thay vì phụ thuộc như trước đây.
Ngoài ra tập đoàn còn thành lập các đơn vị con khác như VNPT-Media (kinh doanh dịch vụ truyền thông đa phương tiện), VNPT-Net (chuyên hạ tầng mạng), VNPT-Technology (phụ trách nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm bưu chính, công nghệ và viễn thông)...
Thủ tướng cũng yêu cầu VNPT, với tư cách là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, thoái hết vốn khỏi 63 công ty mà đơn vị này đang nắm cổ phần và chỉ được giữ dưới 50% vốn điều lệ của 18 doanh nghiệp khác. Trong quý III/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn.
Mobifone và Vinaphone vốn là hai doanh nghiệp viễn thông di động thuộc Tập đoàn VNPT. Từ nhiều năm qua, Mobifone là đơn vị đóng góp doanh thu và lợi nhuận lớn cho tập đoàn mẹ, được ví như "con gà đẻ trứng vàng". Cùng với nhà mạng Viettel, bộ ba "ông lớn" này nắm hơn 90% thị phần viễn thông Việt Nam, tạo thế chân vạc cạnh tranh trên thị trường.
Anh Quân