Mobifone thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và có tên trong danh sách cổ phần hóa do Chính phủ phê duyệt từ năm 2005 nhưng vì nhiều lý do, đến nay doanh nghiệp vẫn 100% vốn Nhà nước.
Cuối 2005, người phát ngôn của VNPT lúc đó khẳng định sang đầu 2006 đơn vị sẽ hoàn tất mọi thủ tục để cổ phần hóa Mobifone theo đúng tiến độ đề ra, dù còn nhiều khó khăn. Theo ông, khó khăn lớn nhất với Mobifone là định giá tài sản. Hơn nữa, kinh doanh di động là loại hình dịch vụ nhạy cảm nên việc cổ phần hóa sẽ khó khăn hơn so với các doanh nghiệp khác.
"Nếu định giá không tốt, Nhà nước sẽ chịu tổn thất lớn", đại diện doanh nghiệp nói. Vì lý do này mà VNPT rất thận trọng trong việc định giá Mobifone. Thêm vào đó, việc cổ phần hóa một doanh nghiệp viễn thông cũng là điều chưa có tiền lệ nên doanh nghiệp không quyết định vội vàng. Lúc này, doanh thu Mobifone đạt 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận 3.500 tỷ đồng (doanh thu VNPT đạt trên 33.000 tỷ đồng).
Những gì đã diễn ra trong năm 2006 chỉ là một số hội thảo để rồi cơ quan quản lý kết luận "năm 2007 phải hoàn tất". Không chỉ trong nước, doanh nghiệp tài chính và truyền thông quốc tế cũng quan tâm đến trường hợp của Mobifone. Tháng 8/2007, trang Reuters đưa tin nhà mạng chốt danh sách 6 nhà thầu tham gia tư vấn cổ phần hóa Mobifone.
Lần lượt các năm từ 2008 đến 2011, các lãnh đạo của tập đoàn và cả Mobifone đều khẳng định trong năm đó chốt phương án cổ phần hóa nhưng cuối cùng không thực hiện được.
Tháng 1/2009, Tập đoàn Credit Suisse - đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone định giá sơ bộ nhà mạng là 2 tỷ USD. Thời điểm này kinh tế thế giới và Việt Nam đều lâm vào khó khăn nên theo lãnh đạo Mobifone, tính trong điều kiện bình thường thì doanh nghiệp đáng giá ít nhất 3 tỷ USD. Doanh thu năm 2008 của mạng này đạt 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận 5.800 tỷ đồng, trong khi của VNPT là 55.000 tỷ đồng và 13.300 tỷ đồng.
Mỗi năm trôi qua, VNPT đều hạ quyết tâm cổ phần hóa Mobifone nhưng đề án trình lên nhiều lần đều không được chấp nhận vì thiếu khả thi, bị nhiều chuyên gia cũng như cơ quan chủ quản phản đối. Tập đoàn lại có thêm vài tháng hoặc cả năm trời để nghiên cứu, sửa chữa đề án.
Đến năm 2012, VNPT lại gửi đề án tái cấu trúc lên Chính phủ, trong đó đề nghị không cổ phần hóa Mobifone mà cho sáp nhập với mạng Vinaphone (cũng do tập đoàn sở hữu) để cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn. Điều này không nhận được sự ủng hộ từ các chuyên gia kinh tế và viễn thông. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận định việc sáp nhập hai nhà mạng lớn này là không thể bởi lo ngại vi phạm Luật Cạnh tranh. Thêm vào đó, trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay thì việc làm này là dấu hiệu tiêu cực trong cải cách doanh nghiệp.
Ngoài chuyện khó định giá một doanh nghiệp viễn thông vì lo thiệt hại cho Nhà nước, vai trò của Mobifone tại tập đoàn cũng trở thành rào cản cho một cuộc chia ly. Trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận hiện tại của VNPT, Mobifone được ví như "con gà đẻ trứng vàng". Năm 2012, tập đoàn lãi 8.500 tỷ đồng thì có 6.600 tỷ đồng do Mobifone đóng góp. Tương tự, năm 2013 các con số này là 9.265 tỷ đồng và 6.000 tỷ đồng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền Thông) và cũng là cựu Tổng giám đốc VNPT Mai Liêm Trực từng nhận định VNPT không muốn tách Mobifone ra vì sẽ thiệt thòi cho tập đoàn. "Đấy là công sức của VNPT, vạn bất đắc dĩ mới phải tách bởi không còn Mobifone thì VNPT sẽ khó khăn. Đó là thực tế", ông nói.
"Để mãi không cổ phần hóa có nhiều lý do, trong đó chủ yếu là nội tại VNPT, có thể thêm lý do về kinh tế, giá cả...", ông Mai Liêm Trực nói. Cũng chính vì không dứt khoát suốt gần 10 năm qua nên đến bây giờ khi Mobifone tách ra, VNPT không còn nắm giữ chút gì tại đây. Theo kết luận của Thủ tướng, nhà mạng lớn tuổi nhất Việt Nam sẽ là một doanh nghiệp độc lập để cổ phần hóa, VNPT không còn nắm cổ phần.
Infographic: Mobifone - "Con gà đẻ trứng vàng" trong cuộc đua VNPT - Viettel |
Lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng tiến độ và quyết tâm đẩy nhanh tái cấu trúc, cổ phần hóa thế nào phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố chủ quan. "Việc tái cấu trúc VNPT và cổ phần hóa Mobifone là quyết tâm lớn và sẽ triển khai sớm", ông khẳng định. Theo lãnh đạo Cục, chậm nhất đến năm 2016 sẽ hoàn thành mục tiêu trên.
Phát biểu tại hội thảo hồi tháng 2/2014, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin của VNPT cho biết chuyện tái cơ cấu, doanh nghiệp đã cố gắng nhiều, vấn đề chỉ là làm sao để đẩy nhanh và làm trong năm nay. "Chuyện cổ phần hóa Mobifone bước sang năm thứ 10 nhưng chưa thành công. Không nên kỳ vọng quá nhiều vào cổ phần hóa bởi bản chất là đưa tài sản Nhà nước chuyển sang tư nhân, có thể kết quả tốt hoặc không", ông nhận định.
Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch Mobifone khẳng định:"Với quy mô doanh thu, lợi nhuận, có thể cạnh tranh trên thị trường, nhu cầu tự chủ độc lập của Mobifone ngày càng cao". Lãnh đạo Mobifone cho rằng tách khỏi VNPT là cơ hội để doanh nghiệp chủ động sáng tạo, mở rộng phát triển cho đơn vị. "Tách ra cũng giúp cổ phần hóa nhanh hơn vì đỡ các cấp trung gian".
"Mobifone rất mong muốn được tiên phong trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng như doanh nghiệp trong ngành viễn thông nhưng những năm qua triển khai còn chậm ở nhiều khâu nên chưa thực hiện được. Nếu các cấp đồng thuận và quyết tâm cao thì cổ phần hóa sẽ rất nhanh", lãnh đạo nhà mạng chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, ngành Viễn thông - Công nghệ thông tin Việt Nam đang ở thời khắc rất quan trọng. "Tái cơ cấu thị trường và doanh nghiệp viễn thông không chỉ bắt buộc mà còn mang tính sống còn với sự phát triển đất nước về dài hạn", ông đánh giá.
Ngày 18/4, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã có công văn yêu cầu VNPT và Mobifone giữ nguyên hiện trạng tổ chức bộ máy, nhân sự lãnh đạo, cơ sở vật chất, mạng lưới... nhằm đảm bảo lộ trình tái cơ cấu. Giới chuyên gia đánh giá đây là hành động quan trọng, vừa không thay đổi giá trị của công ty (đặc biệt là với Mobifone khi cổ phần hóa), vừa tránh những cuộc thuyên chuyển cán bộ mang tính tiêu cực nếu không được kiểm soát kỹ.
Anh Quân