Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 10 chương, 96 điều được Quốc hội thông qua tại phiên họp cuối cùng của kỳ họp thứ sáu, sáng 20/11.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho hay, trong số những điểm mới của Luật có việc dành một chương để mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư nhân.
"Nếu như Luật hiện hành chỉ tập trung quy định đối với khu vực nhà nước, thì Luật vừa được thông qua có nhiều điều khoản liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước", ông Cường nói.
Cụ thể, theo quy định của Luật, doanh nghiệp, tổ chức khu vực tư nhân có trách nhiệm tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong đơn vị mình; người nào phát hiện hành vi tham nhũng trong các đơn vị này có trách nhiệm phản ánh, tố cáo theo quy định của Luật.
Quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không điều chỉnh công ty đại chúng trong dự thảo Luật này, tuy nhiên bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ cho hay, công ty đại chúng là loại hình doanh nghiệp có sự huy động vốn góp của rất nhiều cổ đông.
"Hoạt động của loại hình doanh nghiệp này ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, nên cần áp dụng một số biện pháp về minh bạch tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và chế độ trách nhiệm người đứng đầu", bà Nga nói và khẳng định điều này phù hợp với thực tiễn, yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như chủ trương từng bước mở rộng áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước.
Trước lo ngại của đại biểu về tình trạng doanh nghiệp "sân sau", doanh nghiệp tư nhân có quan hệ cung cấp hàng hóa, mua bán tài sản... với khu vực công, đạo Luật vừa thông qua cũng đã có quy định để điều chỉnh. Cụ thể, điều 20 Luật này quy định người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn...
Người có chức vụ, quyền hạn cũng không được để người thân kinh doanh trong những lĩnh vực mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước; không được để người thân giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu...
Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản từ Giám đốc sở trở lên
Phó chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cũng cho hay, Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã có bước tiến quan trọng về chế định kiểm soát, tài sản thu nhập.
"Nếu như Luật hiện hành chỉ quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thì lần này chuyển sang chế định kiểm soát và kiện toàn cơ quan làm việc này theo hướng không để phân tán ở các đơn vị từ địa phương đến trung ương như trước đây mà tăng cường một bước tính tập trung", ông Cường nói.
Cụ thể, Luật quy định giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên; từ Phó giám đốc Sở và tương đương trở xuống thuộc trách nhiệm của Bộ ngành, địa phương, thanh tra cấp tỉnh.
Luật cũng mở rộng nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức (Luật hiện hành quy định từ phó trưởng phòng) nhằm mục đích tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi tài sản, thu nhập có biến động trong năm từ 300 triệu đồng...
Cùng với việc mở rộng người có nghĩa vụ kê khai lần đầu như nêu trên, Luật thu hẹp diện phải kê khai hàng năm theo hướng chỉ yêu cầu đối với người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên.
Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét qua ba kỳ họp và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2019.
Võ Hải - Hoàng Thuỳ