Lịch sử y học thế giới ghi nhận nhiều nỗ lực trong lĩnh vực điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống bằng phẫu thuật ít xâm lấn. Sự kiện được xem là “cuộc cách mạng” y học năm 1998, Yeung, một bác sĩ người Mỹ đã báo cáo phương pháp phẫu thuật nội soi mới cho bệnh lý đau thắt lưng và thoát vị đĩa đệm. Ông sử dụng một đường mổ đi qua tam giác Kambin, đồng thời ứng dụng các tiến bộ khoa học như sóng radio cao tần, laser làm cho cuộc mổ trở nên dễ dàng, triệt để, sức khỏe bệnh nhân hồi phục rất tốt và nhanh.
Theo đó, bác sĩ Yeung đã sử dụng một ống nội soi có nhiều kênh, đường kính 5,2 mm, có 4 đường dẫn: Một đường để chiếu sáng và camera quan sát, 2 đường để bơm nước vào và hút nước ra tạo một không gian có thể nhìn thấy được trong lòng đĩa đệm, đường còn lại để đưa các dụng cụ vào. Với một ống nhỏ như vậy, các bác sĩ có thể dễ dàng thao tác qua lỗ liên hợp để lấy khối thoát vị và nhân nhầy xơ hóa.
Ngày nay, đã có nhiều biến thể từ hệ thống nội soi của Yeung. Loại ống mới không cần ống thoát nước, đường kính rộng tới 6,1 mm, nhờ vậy kênh dụng cụ được mở lớn tới 4,2 mm. Bên cạnh đó còn có thêm nhiều đường mổ khác.
Hiện tại, có hai đường tiếp cận chính để thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng là đường qua lỗ liên hợp (đường bên) và đường liên bản sống (đường sau). Đường thứ nhất thích hợp cho các trường hợp thoát vị đĩa đệm ngực và thắt lưng cao, từ L4-5 trở lên; Đường thứ hai phù hợp cho thoát vị đĩa đệm ở tầng thấp nhất là L5-S1 và L4-5.
Đối với đường mổ qua lỗ liên hợp, phương thức gây vô cảm cho bệnh nhân thường được các bác sĩ Mỹ và Hàn quốc (những quốc gia áp dụng nhiều nhất) sử dụng là gây tê tại chỗ. Còn mổ qua đường liên bản sống, bệnh nhân thường được gây tê ngoài màng cứng hoặc gây mê. Khi gây mê, sẽ thuận lợi hơn cho kỹ thuật viên phẫu thuật vì bệnh nhân nằm im, dễ thao tác trong quá trình mổ. Dù vậy theo khuyến cáo, gây mê là quá trình có mức độ xâm lấn cao hơn nhiều so với gây tê tại chỗ hoặc gây tê ngoài màng cứng.
Bệnh nhân được mổ nội soi cột sống sẽ nằm sấp trên bàn mổ, đầu quay sang một bên nhìn vào màn hình đang quay cảnh mổ cho chính mình. Những người “yếu bóng vía” không muốn theo dõi ca mổ sẽ được yêu cầu cho xem một đoạn phim tình cảm yêu thích.
Khi nội soi từ đường qua lỗ liên hợp, một kim sẽ được chích vào đĩa đệm qua da từ phía bên hông, vừa để gây tê, vừa dẫn đường cho các dụng cụ khác. Da được rạch ngay chỗ chích kim khoảng 7 mm rồi luồn một cây thông và ống thao tác vào. Một đường hầm được mở thông từ ngoài vào tới đĩa đệm. Đối với nội soi đường liên bản sống, da được rạch ở giữa lưng, cây nong và ống thao tác được đưa vào tới dây chằng vàng. Sau khi cắt dây chằng vàng, ống nội soi được đưa trực tiếp vào ống sống và các thao tác còn lại gần giống như mổ hở hoặc mổ vi phẫu thuật.
Các dụng cụ tạo đường hầm của Yeung được thiết kế vừa tạo được một đường hầm, vừa có chỗ để làm việc lại vừa che chắn được cho rễ thần kinh, ngăn ngừa dụng cụ mổ gây thương tổn cho rễ thần kinh. Ống nội soi được đưa vào qua đường hầm. Nhân nhầy và khối thoát vị được lấy đi bằng các dụng cụ gắp, cắt hoặc làm rã ra bằng điện cao tần. Sau cùng thì toàn bộ rễ thần kinh và các cấu trúc khác được quan sát tỉ mỉ trước khi kết thúc.
Sau khi xác định được là rễ thần kinh và bao rễ thần kinh đã được giải phóng hoàn toàn, tất cả các dụng cụ được rút ra, vết mổ được băng lại chứ không cần khâu. Toàn bộ quá trình mổ khoảng 30 phút. Sau mổ người bệnh nằm nghỉ vài giờ là đã có thể đi lại được. Tuy nhiên, để an toàn, trong 24 giờ đầu người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh.
Đến nay, mổ nội soi đã có một số cải tiến. Sự phát triển của công nghệ khoan mài cao tốc đã làm thay đổi một số nét cơ bản của kỹ thuật: Tốc độ khoan được nâng lên, độ rung khi mài giảm nên sang chấn các mô xung quanh và sang chấn cho ống nội soi không nhiều, có thể dễ dàng dùng khoan mài cắt đi một phần xương giúp cho việc lấy các mảnh vỡ của khối thoát vị đã di lệch trở nên đơn giản hơn.
Phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đã được áp dụng khắp thế giới. Việt Nam triển khai lần đầu tiên vào năm 2007 tại Trung tâm EXSON, nội soi bằng cả 2 đường đã trở thành phẫu thuật thường quy, thay thế hầu hết các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng khác. Một số nơi khác cũng áp dụng kỹ thuật này nhưng thường chỉ tiến hành mổ theo một đường vào qua lỗ liên hợp hoặc đường liên bản sống.
Trong một báo cáo đăng trên tạp chí Y học Thực hành năm 2013, các bác sĩ của Trung tâm EXSON đã báo cáo về 590 trường hợp mổ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng nội soi. Trong đó 173 ca mổ qua đường lỗ liên hợp, 401 qua đường liên bản sống, 16 ca bằng cả 2 đường, chỉ có một trường hợp phải gây mê. Theo ghi nhận có 2 ca bị biến chứng thần kinh, 6 trường hợp phải mổ lại, trong đó 3 người do lấy chưa hết khối thoát vị. Tất cả các trường hợp không phải mổ lại đều xuất viện vào hôm sau. Theo dõi dài hạn thống kê tỷ lệ phục hồi khá tốt là 95,4%. Kết quả này cho thấy mổ nội soi mang tỷ lệ cải thiện ở mức khá tốt nhiều hơn, biến chứng rất thấp, tỷ lệ phải mổ lại rất thấp so với các kỹ thuật khác.
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Sơn