Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đánh chìm mô hình tàu sân bay Nimitz trong cuộc tập trận quy mô lớn trên eo biển Hormuz hôm 29/7. Sau cuộc tập trận, xác tàu bị bỏ lại ở vùng nước có độ sâu chỉ khoảng 14 m, có khả năng đe dọa an toàn của những tàu thương mại trên tuyến đường biển được mệnh danh là "yết hầu dầu mỏ của thế giới".
"Nó là một thảm họa chỉ chờ xảy ra, gây nguy cơ lớn cho vận tải thương mại. Xác tàu có thể bị sóng nâng khỏi đáy biển và cuốn về phía tây, hướng tới cảng Bandar Abbas của Iran", Paul Edward Roche, chuyên gia hàng hải của Ireland, nhận xét.
Một thuyền trưởng giấu tên cho biết ông thường duy trì khoảng cách tối thiểu 0,5 hải lý với các xác tàu ở vùng biển nông. "Tuy nhiên, vì xác tàu mô hình này có thể thay đổi vị trí, nên việc duy trì khoảng cách tối thiểu một hải lý sẽ phù hợp hơn", thuyền trưởng cho hay.
Mô hình tàu sân bay lớp Nimitz được Iran chế tạo từ đầu năm nay, trên sàn đáp có 16 mô hình tiêm kích Mỹ. Nó dài khoảng 200 m và rộng 50 m, có kích thước bằng hai phần ba tàu sân bay lớp Nimitz thật. Giới chuyên gia cảnh báo một vụ va chạm giữa tàu hàng với xác tàu mô hình có thể làm hàng nghìn tấn dầu tràn ra biển, gây thảm họa môi trường và đình trệ tuyến vận tải biển, khiến giá dầu trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề.
Eo biển Hormuz là tuyến hàng hải duy nhất kết nối các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới như Kuwait, Bahrain, Iran, Iraq và Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) với Ấn Độ Dương, cũng là tuyến đường chở phần lớn khí thiên nhiên hóa lỏng từ Qatar.
Điểm hẹp nhất của eo biển Hormuz chỉ rộng 34 km, còn tuyến vận tải đường biển qua đây chỉ rộng 3 km ở cả hai chiều. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) gọi Hormuz là "yết hầu tồi tệ nhất thế giới", đánh giá nó quan trọng hơn cả eo biển Malacca ở Đông Nam Á và kênh đào Suez tại Ai Cập.
Vũ Anh (Theo Business Insider)