Theo Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, mô hình tổng cục thuộc bộ sẽ không còn. Trường hợp cần thiết, các bộ phải báo cáo để Ban Chỉ đạo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Chính phủ sau tinh gọn dự kiến giảm 12 tổng cục, 500 cục trong các lĩnh vực, ngành.
Tại hội nghị tổng kết ngành thuế ngày 19/12, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án sắp xếp bộ máy, chờ Trung ương phê duyệt. Trong đó, Tổng cục Thuế sẽ được sắp xếp lại theo mô hình 3 cấp, gồm thuế Nhà nước, khu vực và quận, huyện. Mô hình này đang được các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan áp dụng.
Tổng cục Thuế thành lập theo Quyết định 218/2003 của Thủ tướng. Đơn vị này thuộc Bộ Tài chính, được tổ chức theo hệ thống ngành dọc gồm các cục, vụ, chi cục ở địa phương. Ngành thuế hiện có 63 Cục thuế, 415 Chi cục thuế tại các địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Tổng cục Thuế sớm triển khai việc sắp xếp, đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, ngành thuế phải định hướng tư tưởng với cán bộ, người lao động trong ngành để họ chia sẻ, nghiêm túc thực hiện.
Lãnh đạo ngành tài chính cũng lưu ý việc tinh giản bộ máy để đạt mục tiêu vận hành hiệu quả, không làm hình thức, đối phó. Đồng thời, việc tinh giản lần này cũng hướng tới "một việc chỉ một cơ quan làm, một cơ quan làm nhiều việc, không giẫm chân nhau".
"Sắp xếp, tinh giản phải có kết quả, thể hiện bằng con số. Tức là, giảm được bao nhiêu đầu mối, con người, tiết kiệm bao nhiêu tiền cho ngân sách", ông Thắng nói thêm.
Theo kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ hợp nhất với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tiếp nhận thêm một số đầu mối khác và sắp xếp 5 tổng cục, gồm Tổng cục Thuế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận quá trình này sẽ phải bỏ kinh phí để thực hiện, nhiều trường hợp bị ảnh hưởng nhưng bộ máy tinh gọn tác động tích cực đến xã hội.
Theo ông, đây còn là quyết sách để Việt Nam có thể bước vào kỷ nguyên mới, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt hai con số trở lên trong nhiệm kỳ tới (2026-2030). Để đạt mục tiêu này, theo ông, chi đầu tư phát triển phải lớn. Song, chi cho bộ máy, chi thường xuyên của Việt Nam đang chiếm gần 70% tổng chi ngân sách Nhà nước.
"Như vậy, Việt Nam chỉ còn hơn 30% cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Vậy làm gì còn tiền để đầu tư, phát triển?", ông Thắng nêu, cho biết tỷ lệ này ở các nước chiếm gần nửa chi ngân sách.
Năm nay, ngành thuế ghi nhận kỷ lục về thu ngân sách cả năm khi vượt 1,73 triệu tỷ đồng. Số này bằng 116% dự toán, vượt gần 250.000 tỷ đồng so với năm trước, tương ứng tăng trên 13,7%. Trong đó, có 87% khoản thu và 95% địa phương hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Phương Dung