Các vụ phun trào nhật hoa (CME) bắt nguồn từ bầu khí quyển Mặt Trời có thể giải phóng hàng tỷ tấn plasma bị từ hóa vào không gian với tốc độ lên tới một triệu dặm mỗi giờ. Chúng có khả năng làm hỏng vệ tinh, khiến các phi hành gia ngoài vũ trụ tiếp xúc với bức xạ có hại và gây quá tải hệ thống lưới điện trên mặt đất.
Việc theo dõi quỹ đạo của CME có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng là một thách thức lớn với các nhà thiên văn học do chúng rất khác nhau, liên tục thay đổi hình dạng khi di chuyển trong không gian và bị ảnh hưởng bởi gió Mặt Trời.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí AGU Advancesdo, các nhà khoa học công dân do Tiến sĩ Luke Barnard từ Khoa Khí tượng học thuộc Đại học Reading của Anh dẫn đầu đã phát triển một mô hình hoàn toàn mới, cho phép cải thiện 20% độ chính xác trong việc dự đoán thời điểm CME tấn công Trái Đất.
"Các dự báo về bão Mặt Trời hiện nay dựa trên việc quan sát CME ngay khi chúng rời khỏi bề mặt ngôi sao nên không có mức độ chắc chắn cao. Mô hình mới - được bổ sung dữ liệu từ dự án Solar Stormwatch - cung cấp các quan sát về giao đoạn tiếp theo của CME, tạo ra một bức tranh rõ ràng hơn về hình dạng và quỹ đạo của nó", Barnard chia sẻ.
Solar Stormwatch là dự án khoa học được khởi xướng từ năm 2010 bởi Giáo sư Chris Scott từ Đại học Reading. Nó yêu cầu các tình nguyện viên tham gia phân tích đường viền của hàng nghìn CME trong quá khứ, chụp bởi máy ảnh góc rộng chuyên dụng Heliospheric Imagers gắn trên bộ đôi tàu vũ trụ STEREO quay quanh Mặt Trời của NASA.
Với những dữ liệu được bổ sung, mô hình dự đoán mới có thể chạy tối đa 200 mô phỏng máy tính, nhiều gấp 10 lần mô hình hiện tại, cho phép cải thiện các ước tính về tốc độ gió Mặt Trời cũng như tác động của nó tới đường di chuyển của CME.
Phương pháp dự báo thời tiết không gian mới yêu cầu các phân tích nhanh chóng trong thời gian thực. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ sung máy ảnh chụp CME trường rộng lên vũ trụ trong các dự án đang được lên kế hoạch của NASA và ESA.
Đoàn Dương (Theo Science Daily)