Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, một nhóm các nhà khoa học quốc tế từ CfA đã trình bày chi tiết chưa từng có về "động cơ trung tâm" thúc đẩy sự phát triển của bão mặt trời hay ngọn lửa mặt trời - sự kiện bùng nổ năng lượng đột ngột trên bề mặt ngôi sao.
Nhóm nghiên cứu đã tập trung phân tích một cơn bão được ghi lại vào ngày 10/9/2017 bởi tổ hợp kính viễn vọng vô tuyến Owens Valley Solar Array ở bang California. Họ quan sát sự kiện ở bước sóng cực ngắn để thực hiện đo đạc từ trường và các hạt ở trung tâm của vụ nổ.
Kết quả cho thấy có một chùm dòng điện khổng lồ kéo dài hơn 40.000 km đi xuyên qua vùng trung tâm - nơi các đường cong trong không gian có từ trường tiếp cận, phá vỡ và hợp nhất lại với nhau - tạo ra nguồn năng lượng cực mạnh thúc đẩy sự bùng nổ của bão mặt trời.
Các phép đo cũng chỉ ra một cấu trúc từ tính có hình chiếc bình cao 20.000 km so với bề mặt Mặt Trời. Theo nhóm nghiên cứu, cấu trúc này có khả năng là nơi các electron năng lượng cao bị giữ lại trước khi tăng tốc đến tốc độ tiệm cận ánh sáng.
Những hiểu biết mới về bão mặt trời rất có ý nghĩa bởi nó có thể hỗ trợ dự đoán thời tiết vũ trụ trong tương lai, giúp bảo vệ các công nghệ trên Trái Đất như hệ thống liên lạc, định vị và hoạt động vệ tinh.
"Một trong những mục tiêu chính của nghiên cứu này là để hiểu rõ hơn về vật lý cơ bản liên quan đến bão mặt trời. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đo được các chi tiết về từ trường của dòng điện xuyên qua vùng trung tâm, cung cấp những hiểu biết mới về động cơ thúc đẩy các vụ nổ năng lượng trên bề mặt Mặt Trời", tác giả chính của nghiên cứu Bin Chen tại Viện Công nghệ New Jersey, tổ chức vận hành kính viễn vọng vô tuyến Owens Valley Solar Array, nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo National Science Foundation)