Ngành mía đường vào vụ thu hoạch. |
Nghề trồng mía ở VN có từ lâu đời nhưng đến nay, sản xuất không ổn định, tăng trưởng chậm, chưa đáp đủ nhu cầu tiêu dùng. Hằng năm, Nhà nước vẫn phải nhập hàng chục tấn đường để phục vụ tiêu dùng nội địa. Do vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn xếp đường sản xuất trong nước vào nhóm sản phẩm có khả năng cạnh tranh thấp khi VN tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay, thiết bị công nghệ sản xuất mía đường của VN còn lạc hậu, khả năng thu hồi đường thấp, tỷ lệ phế phẩm cao. Ngoài ra việc quy hoạch vùng nguyên liệu cũng chưa tốt dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu giữa các nhà máy làm giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khoảng 15-22 USD/tấn, cao so với Thái Lan khoảng 9-11 USD/tấn. Chưa kể các nhà máy đường và khu quy hoạch trồng mía đường được xây dựng chủ yếu bằng nguồn vốn vay nước ngoài...
Tại cuộc hội thảo về "Cơ hội và Thách thúc hội nhập của ngành mía đường VN" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, ngành mía đường VN nếu không chuẩn bị từ bây giờ thì khi mở cửa thị trường sẽ bị thua ngay trên sân nhà.
Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH mía đường Tây Ninh Phiippe Lombard, Nhà nước vẫn đang thực hiện chính sách bảo hộ đối với các doanh nghiệp mía đường. Hầu hết các nhà máy ở VN đều có quy mô nhỏ hơn 2.000 tấn mía đường/ngày và chỉ có khoảng 5/47 nhà máy có công suất lớn hơn 6.000 tấn mía đường/ngày. Khi vào mái nhà chung WTO, mức bảo hộ này giảm đi sẽ không tránh khỏi sẽ có một số nhà máy bị đóng cửa, số doanh nghiệp tồn tại còn lại sẽ là những nhà máy lớn nằm ở những vùng nguyên liệu cho năng suất đường cao.
Các nhà máy mới hầu hết được xây dựng tác các vùng sâu vùng xa trung du miền núi và được phân bổ khắp cả nước thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài đáng kể chiếm 40% tổng công suất chế biến của cả nước. Từ năm 2000 đến nay về cơ bản đã đáp dứng được nhu cầu tiêu thụ của cả nước với trên 1 triệu tấn đường/năm, chấm dứt cạn hàng năm phải bỏ hàng trăm triệu USD để nhập đường. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng và những năm đầu đi vào vận hành do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan đã làm phát sinh những khó khăn, thật thiệt và những sự nhìn nhận đánh giá khác biệt, gây ta tiếng, dư âm bất lợi...Dù được Chính phủ và các ngành có nhiều giải pháp sắp xếp chuyển đổi sở hữu... tạo điều kiện cho ngành mía đường phát triển. Tuy nhiên sau hơn 1 thực hiện, các nhà máy về cơ bản đã được Bộ Tài chính xử lý những tồn đọng tài chính nhưng quá trình sắp xếp chuyển đổi sở hữu còn chậm và vấn chưa thoát khỏi những khó khăn ách tắc. Đến nay mới chỉ có 3 công ty (4nhà máy đường) được cổ phần hóa, 3 công ty có quyết định cho phá sản là (Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận) nhưng cũng chưa được thực hiện; 3 nhà máy giải thể chuyển đổi, 8 nhà máy không đủ điều kiện cổ phần hóa đè nghị bán nhưng cũng chưa có quyết định, 3 nhà máy đang làm thủ tục cổ phần hóa còn lại 4 nhà máy đang xác định giá trị doanh nghiệp. |
"Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là sân chơi lớn nhưng rõ ràng không phải là bữa tiệc miễn phí do vậy, các doanh nghiệp ngành mía đường ngay từ bây giờ không chuẩn bị sẵn sàng thì khi mở thị trường khả năng cạnh tranh các nước khác sẽ rất khó khăn", ông Phippe nhận xét.
Theo ông, VN không cần thiết phải duy trì quá nhiều nhà máy mà nên tập trung phát triển vùng nguyên liệu. Bởi vấn đề cơ bản không phải là có quá nhiều nhà máy mà là phải có nhiều mía để phục vụ sản xuất.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng Trịnh Minh Châu cũng cho rằng, ngành công nghiệp chế biến mía đường VN vẫn được xác định là một ngành kinh tế trọng yếu, việc xóa bỏ bảo hộ sản xuất trong những năm tới sẽ gây áp lực lớn hơn và đặt ngành mía đường trước thách thức ngày càng gay gắt.
Theo ông, nông sản là hàng hóa đang được kinh doanh theo nguyên tắc thị trường, tự do hóa thương mại. Tuy nhiên, quốc tế vẫn xếp vào loại nhạy cảm đụng chạm mạnh đến lợi ích của nông dân là những người sản xuất nhỏ có vị thế quá yếu cần được bảo vệ. Vì vậy, Chính phủ các nước đều có chính sách trợ cấp, ưu đãi và nhiều hình thức hỗ trợ nhằm giảm nhẹ rủi ro cho nông dân.
VN đang trong giai đoạn đầu thực hiện nền kinh tế thị trường, một số khâu trong quá trình tái sản xuất hàng hóa chưa phát triển đồng bộ. Trong nông nghiệp hiện nay, khâu tiêu thụ nông sản phát triển thị trường hàng hóa nông sản cả trong và ngoài nước là khâu yếu nhất. Sản xuất nhỏ lẻ, mua bán rời rạc, phân tán qua nhiều nấc trung gian chưa tạo ra lực lượng hàng hóa tập trung có chất lượng đủ sức cạnh tranh với các đối tác. Ngành mía đường cũng không nằm ngoài những hạn chế trên.
Ông Châu cho biết, đa số các nhà máy đường thời gian qua đều bị lỗ do dầu tư bằng vốn vay nên chi phí khấu hao và lãi vay ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, vì vậy, giá thành sản phẩm cao. Mặt khác do công nghệ, thiết bị chưa đạt đến mức tiên tiến do đó, tỷ lệ thu hồi cao và chất lượng sản phẩm đạt ở mức trung bình. Đó là những thác thức lớn nhất của ngành đường VN hiện nay.
Để ngành mía đường bắt kịp trong quá trình hội nhập, tại hội thảo nhiều ý kiến cho rằng, ngành đường cần mở cửa từ từ và phải có bảo hộ nhất định về thuế quan cho đến khi doanh nghiệp trụ vững. Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của hiệp hội nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để các doanh nghiệp ngành mía đường hoạt động trong tình hình mới.
Chủ tịch Hiệp hội mía đường VN Lê Văn Tam cho rằng, nếu khách quan đánh giá thì ngành mía đường VN còn rất non yếu về nhiều mặt và đang đứng trước những thách thức rất gay gắt. Bởi xét về năng suất nông nghiệp và năng suất công nghiệp chế biến thì hiện nay, VN còn thấp thua quá nhiều so với các nước sản xuất đường mía trong khu vực. Đó là chưa kể ngành mía đường VN đang chịu tác động rủi ro rất lớn bởi 2 yếu tố thời tiết và thị trường. Trong số 60 quốc gia sản xuất đường trên thế giới đều có chính sách hỗ trợ giá đường nội tiêu thông qua thuế nhập khẩu cao và chính sách hạn ngạch thuế quan và ở VN cũng vậy. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập AFTA và WTO đang đến gần, những bảo hộ này đang trong lộ trình giảm dần và sắp đến thời kỳ kết thúc.
"Mở cửa ngành đường sẽ gặp không ít trở ngại nhưng khó cũng phải làm bởi gia nhập mái nhà chung này VN mới có quyền hy vọng sẽ có được sự bình đẳng, các nước phát triển sẽ giảm và sẽ đi đến xóa bỏ sự trợ giá nông phẩm", ông Tam nói.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước ngưỡng cửa hội nhập, ông Tam đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm phê chuẩn quy hoạch và chủ trương định hướng chiến lược phát triển ngành mía đường đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Đồng thời cần có chính sách xuất nhập khẩu đường chủ động cân đối sản xuất và tiêu dùng trong nước đảm bảo thị trường và giá cả ổn định, kiểm soát biên giới chống nhập lậu và gian lận thương mại, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Các cam kết tự do hóa thương mại trong nông nghiệp và ngành đường: - Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (ASEAN Free Trade Area- AFTA): thị trường tự do của 10 nước Đông Nam Á với dân số 500 triệu người. Lộ trình hoàn thành việc giảm thuế xuống 0-5% và loại bỏ các hàng rào phi thuế: năm 2003 với 6 nước ASEAN cũ (Thái Lan, Philipines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Bruney), năm 2006 đối với VN, năm 2008 với Lào, Myanma và năm 2009 đối với Campuchia (trừ nông sản nhạy cảm). Đến nay, VN đã đưa 91,3% số dòng thuế hàng nông sản đã tham gia chương trình Cắt giảm thuế quan có hiệu lực chung (CEPT). Mức cao nhất (nông sản chế biến) hiện nay là 10%, 2006 5%. Mức thuế bình quân theo CEPT là 4,9% (năm 2005) và 3,7% (năm 2006) so với mức thuế MFN hiện hành khoảng 24,5%. Danh mục nhạy cảm của VN chiếm gần 6% số dòng thuế hàng nông sản và tập trung vào một số mặt hàng như mía đường, giống gia cầm, quả có múi, thịt chế biến và một số sản phẩm chăn nuôi khác. Thời hạn giảm thuế xuống 0-5% là năm 2010 bắt đầu từ năm 2004. Riêng mặt hàng đường do tính chất nhạy cảm của ngành sẽ bắt đầu giảm từ năm 2006 và sẽ có thuế suất 0-5% vào năm 2010. Hiện nay, thuế nhập khẩu đường MFN của nước ta là 30% đối với đường thô và 40% đối với đường tinh luyện. Tuy nhiên, theo quy định lượng nhập khẩu sẽ được bãi bỏ ngay năm đầu tiên khi mặt hàng đó được đưa vào chương trình cắt giảm, các biện pháp phi thuế khác sẽ loại bỏ dần trong vòng 5 năm. Nghĩa là từ 1/1/2006 sẽ không còn giấy phép nhập khẩu đường đối với 10 nước ASEAN. Hiện đường được nhiều nước đưa vào danh mục hàng nông sản nhạy cảm cao trong đó có VN. Do vậy, AFTA sẽ là thức thức lớn nhất và gần cận nhất đối với ngành mía đường. Nếu ngành đường nói chung hoặc doanh nghiệp đường có khả năng đứng vững thì hoàn toàn có khả năng phát triển bền vững trong các cam kết tự do hóa thương mại khác kể cả WTO. (Nguồn Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) |
Minh Khuyên