Ông Il Houng Lee. |
- Thưa ông, cơ hội nào đưa ông đến làm việc tại VN?
- 8 năm trước, tôi từng làm việc trong nhóm phụ trách về VN tại tổng hành dinh của IMF ở Washington, Mỹ. Tôi đã đăng ký tới VN làm việc và được lựa chọn trong rất nhiều ứng cử viên khác. Tôi chọn VN để trở lại làm việc vì tôi đã có ấn tượng sâu sắc về một nền kinh tế năng động, về thái độ kiên định và tích cực của người VN để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn với chất lượng cuộc sống cao hơn. VN là một đất nước đang đổi thay từng ngày, thật thú vị khi được chứng kiến và tham dự vào bước chuyển đổi và phát triển nhanh chóng này.
- Kế hoạch làm việc dự kiến giữa IMF và Chính phủ VN trong thời gian tới sẽ chú trọng những nội dung nào?
- Chức năng chính của IMF đối với tất cả các nước thành viên của mình là giám sát sự vận hành của nền kinh tế và các chính sách kinh tế, đặc biệt là về kinh tế vĩ mô và các vấn đề tài chính. Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng như với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Thương mại nhằm đóng góp ý kiến tư vấn chính sách cũng như cung cấp các trợ giúp kỹ thuật cho VN về các lĩnh vực chính sách quản lý hành chính thuế, chi tiêu công, chính sách tiền tệ - tài chính, thống kê kinh tế vĩ mô và các chủ đề liên quan tới kinh tế vĩ mô khác. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành góp ý kiến cho dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới của Chính phủ VN.
- Để sự có mặt của IMF tại VN là hiệu quả, theo ông, cần những yếu tố gì?
- Không chỉ tại VN mà tại bất kỳ quốc gia nào, chúng tôi luôn cần biết điều gì đang xảy ra với nền kinh tế. Chúng tôi cần tiếp cận với những con số và dữ liệu chính xác, ví dụ như tỷ lệ lạm phát, số lượng nợ xấu là bao nhiêu, tăng trưởng GDP thực thế nào... Chúng tôi cần sự minh bạch để có thể đánh giá chính xác một nền kinh tế đang ở trong tình trạng lành mạnh hay nếu có vấn đề thì mức độ trầm trọng đến đâu.
- Ông đánh giá thế nào về những đổi thay trong hệ thống tài chính - ngân hàng tại VN sau khi VN gia nhập WTO?
- Một nước gia nhập WTO nghĩa là cam kết tạo một sân chơi bình đẳng cho mọi đối tượng tham gia đầu tư, kinh doanh tại nước đó và cam kết tuân thủ các quy tắc của thị trường. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới một vài nhóm đối tượng được bảo hộ, ví dụ các doanh nghiệp hay ngân hàng do Nhà nước sở hữu. Các ngân hàng trong nước sẽ phải cải thiện chất lượng dịch vụ của họ để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Điều thiết yếu là VN phải tăng cường năng lực cho các ngân hàng trong nước để đảm bảo các nguồn lực được huy động và phân bổ vào các dự án có hiệu quả. Mặt khác, quá trình tăng cường năng lực này diễn ra càng sớm càng tốt để đảm bảo các quyết định đầu tư không thỏa đáng sẽ không trở thành gánh nợ nần nặng nề cho thế hệ kế tiếp.
- Từng làm việc tại nhiều nước châu Á, ông đánh giá như thế nào về mức độ thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với sự phát triển kinh tế của một nước?
- Một khi các nguồn lực không phục vụ hoàn toàn cho phát triển xã hội mà bị san sẻ bớt cho tư lợi thì rõ ràng đất nước đó xét về lâu dài đã tự đánh mất lợi thế so sánh với các nước khác, và sẽ chỉ có thể phát triển đến một mức độ nào đó thôi và dừng lại trong khi các quốc gia khác sẽ phát triển bền vững hơn.
- Ông nghĩ thế nào khi nhiều người cho rằng các tư vấn của IMF không phải lúc nào cũng hiệu quả và những đòi hỏi của IMF đối với các quốc gia thành viên đôi khi rất khắt khe?
- Hãy quay trở lại cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997. Khi đó, phải thừa nhận IMF đã làm không tốt công việc giám sát của mình để cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng. Sau sự kiện này, chúng tôi không muốn lặp lại lỗi lầm đó nữa. Đó là lý do vì sao chúng tôi ngày càng đòi hỏi tiếp cận với nhiều thông tin minh bạch hơn, đưa ra nhiều lời cảnh báo nghiêm khắc hơn cũng như các tư vấn khắt khe hơn. Chúng tôi muốn nói lên những điều trung thực, những người bạn tốt bao giờ cũng là những người bạn trung thực.
(Theo Tuổi Trẻ)