Chung kết Hoa hậu Thế giới 2018 khép lại tối 8/12 với chiến thắng của Vanessa Ponce - đại diện Mexico. Trên các diễn đàn, nhiều khán giả chúc mừng Vanessa Ponce, cho rằng cô thể hiện tốt ở cuộc thi năm nay. Tuy nhiên, format cuộc thi, cách thức bình chọn thí sinh khiến nhiều người giận dữ, la ó ban tổ chức. Hàng nghìn người để lại biểu tượng "phẫn nộ" trên fanpage của cuộc thi.
Top 30 được chọn ra từ những thí sinh thắng giải phụ và bình chọn của ban giám khảo. Sau đó, top 12 được công bố theo từng khu vực. Châu Âu là các người đẹp của Belarus, Pháp, Scotland. Vùng Caribbean gồm thí sinh Jamaica, Martinique. Châu Mỹ là đại diện của Mexico, Panama. Châu Phi có hai đại diện Mauritius, Uganda. Châu Á và châu Đại dương là các người đẹp của Nepal, New Zealand và Thái Lan.
Điều này khiến khán giả bất bình vì châu Á và châu Đại Dương có 12 thí sinh trong top 30 nhưng chỉ ba cô gái được đi tiếp vì phải dành suất cho các châu lục khác. Nhiều khán giả cho rằng với số lượng đông, ban tổ chức cần dành ít nhất 5 suất cho khu vực này, tránh loại những thí sinh mạnh. Trong khi vùng Caribe có ba thí sinh trong top 30 thì hai người được vào top 12. Một số khán giả thắc mắc tại sao ban giám khảo xếp vùng Caribe đứng riêng trong khi thí sinh của châu Á và châu Đại Dương lại ghép thành một.
Hoa hậu Tiểu Vy cho biết cô và các thí sinh khác đều nhận thấy sự không hợp lý trong cách chọn top 12. "Nhưng nhìn nhận theo góc độ tích cực, khu vực châu Á năm nay có nhiều đại diện xuất sắc khiến cuộc cạnh tranh trở nên gay cấn, hấp dẫn hơn. Tôi tự hào là người Việt Nam", Tiểu Vy nói.
Trên diễn đàn Baidu, nhiều khán giả nước chủ nhà Trung Quốc thất vọng với quy trình cuộc thi. Tài khoản Rourou bày tỏ sự tiếc nuối khi chỉ có ba cô gái châu Á tiến sâu, dù còn nhiều người nổi bật. "Cách chia số lượng không công bằng, lố bịch", người này nhận xét.
Top 5 cuộc thi cũng được chọn theo cách tương tự, mỗi khu vực được một thí sinh, gồm Thái Lan (khu vực châu Á và châu Đại dương), Belarus (châu Âu), Jamaica (vùng Caribbean), Mexico (châu Mỹ), Uganda (châu Phi). Khán giả Melina cho rằng cách chia này tạo cơ hội cho những khu vực chưa bao giờ hoặc hiếm có thí sinh đạt thứ hạng cao ở Miss World nhưng trong một cuộc thi, cần đảm bảo tính công minh.
Trên fanpage của Miss World, nhiều khán giả tiếc nuối cho Shrinkhala Khatiwada của Nepal, nhận định thí sinh châu Á xứng đáng tiến sâu hơn trong cuộc thi, tuy nhiên cô không được vào top 5. Trước đó, Shrinkhala Khatiwada thắng hai giải Hoa hậu Nhân ái (phần thi phụ quan trọng nhất của Miss World) và Hoa hậu truyền thông - nhờ được khán giả bình chọn nhiều nhất trên mạng xã hội. "Với quy trình đó, họ đã loại các thí sinh mạnh để dành chiến thắng cho đại diện Mexico", tài khoản Aleyna Shrestha bình luận.
Miss World là cuộc thi nhan sắc lâu đời nhất thế giới, do Eric Morley sáng lập tại Anh năm 1951. Cùng Miss Universe, Miss International và Miss Earth, Miss World được xếp vào nhóm "Big 4" (bốn cuộc thi sắc đẹp lớn và danh tiếng nhất thế giới). Cuộc thi năm nay có sự tham gia của 118 thí sinh.