B2 thả một quả bom mininuke không chứa chất nổ hạt nhân trong một cuộc thử nghiệm năm 1998 ở Alaska. |
Tên thật B61-11, đây là một quả bom mảnh dẻ: dài 3,59 m, đường kính 34 cm, nặng 315 kg, mạnh - có sức công phá tương đương 300 tấn đến 340.000 tấn TNT, tuỳ theo mức điều chỉnh.
Được thả từ độ cao rất lớn, đầu "mũi" cứng của bom cho phép chọc thủng tới 6 m trong lòng đất và sau đó phát nổ. Nó tỏ ra lý tưởng để phá hủy các boong ke, các nhà máy hóa học nằm sâu dưới đất, và là loại vũ khí hạt nhân duy nhất được xếp vào kho vũ khí của Mỹ kể từ năm 1989. Năm 1997, người ta chính thức đưa bom này lên máy bay tàng hình B-2. Nó có biệt danh “mininuke” (tiểu bom hạt nhân), vì sức công phá tối thiểu của nó (300 tấn TNT) thua xa nhiều loại bom khác, chẳng hạn so với 13.000 tấn TNT của quả bom nguyên tử thả ở Hiroshima.
Liệu Washington đã nghĩ đến việc sử dụng nó ở Afghanistan hay chưa? Hiện giờ, câu hỏi này vẫn chỉ mang tính giả thuyết. Nhưng một bộ phận dân chúng Mỹ cho rằng điều này có thể chấp nhận được. Theo một cuộc thăm dò dư luận do Viện Jogby Quốc tế tiến hành ngày 7/11, 54% trong số 1.000 người được hỏi nghĩ rằng sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ có hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngày 21/10, Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Pete King (bang New York) phát biểu trên đài WABC: “Tôi không loại trừ khả năng sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật, nếu điều đó là cần thiết”. Hạ nghị sĩ Steve Buyer (bang Indiana), Thượng nghị sĩ John Kyl (Arizona) cũng đưa ra những ý kiến tương tự.
Chính quyền Bush không khẳng định cũng không loại trừ khả năng này. Đó là quy luật: Đừng bao giờ nói bạn sẽ không bao giờ làm gì mà hãy nói bạn có thể làm gì. Ngày 28/9, Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (IRCR) đã đưa ra một giác thư nhằm nhắc nhở các bên có dính líu tới cuộc chiến sắp nhen nhóm ở Afghanistan. IRCR tuyên bố: “Vũ khí hạt nhân không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế”. Đại diện của Mỹ ở Geneva ngay lập tức phản đối, yêu cầu loại bỏ câu này. Lý do: Luật quốc tế không cấm việc sử dụng vũ khí hạt nhân, trường hợp không còn biện pháp nào khác.
Trên thực tế, vấn đề này chưa từng ngã ngũ: Trong một cuộc thăm dò ý kiến Tòa án Quốc tế ngày 8/7/1996, 7 vị thẩm phán cho rằng vũ khí hạt nhân là hợp pháp, 7 vị khác đưa ra ý kiến trái ngược. Cho dù sự thể có ra sao đi chăng nữa, ngày 5/10/2001, IRCR đưa ra một giác thư mới, không nhắc gì đến bom nguyên tử.
Vào thời chiến tranh vùng Vịnh, IRCR cũng đưa ra một giác thư tương tự, nói rằng vũ khí hạt nhân không nên được sử dụng. Khi đó, Mỹ chưa có phản ứng gì.
Rõ ràng, quan điểm về sử dụng vũ khí hạt nhân đã thay đổi. Trước đây, các tổng thống vẫn giữ nguyên cam kết năm 1978 của Jimmy Carter là không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại những nước không có loại vũ khí này. Tuy nhiên, với sự tan rã của Liên Xô năm 1991, Washington bắt đầu xoay sang lo ngại về những nước "ngang ngạnh", bị coi là có khả năng sử dụng "vũ khí phá hủy hàng loạt" (không nhất thiết là vũ khí hạt nhân). Nhiều báo cáo đã nhấn mạnh lợi ích của vũ khí hạt nhân chiến lược.
Tài liệu thuộc Sở chỉ huy chiến lược Mỹ (Stratcom) năm 1995 “Những điều thiết yếu trong các biện pháp ngăn ngừa thời hậu Chiến tranh Lạnh” - do chuyên gia về giải trừ vũ khí Hans Kristensen (Học viện Nautilus, Berkerley) công bố - đã chỉ ra một cách rõ ràng: “Không nên áp dụng đường lối chính trị công khai tự phủ nhận quyền tấn công trước, như vậy chỉ ngăn cản khả năng hạt nhân của Mỹ mà không thu lại một lợi ích tương đương”.
Hồi tháng 11/1997, trong lệnh tổng thống số 60 được Washington Post tiết lộ ngày 7/12/1997, Bill Clinton cho phép tiến hành tấn công bằng vũ khí hạt nhân để đáp trả các đợt tấn công hóa học hay sinh học. Cùng năm đó, giới quân sự đã tự hỏi liệu một cuộc tấn công như vậy có nên được tiến hành nhằm vào một nhà máy hóa học của Libya ở Tarhunah, mà họ nghi ngờ sản xuất vũ khí hóa học hay không.
Vấn đề phá hủy các công trình ngầm dưới đất đã nảy sinh từ khi Iraq tấn công Kuwait tháng 8/1990. Quan chức Mỹ lúc đó cho rằng các loại bom mà họ đang có chưa đủ sức phá những boongke chỉ huy nằm dưới mặt đất của Iraq. Họ bắt đầu chương trình phát triển loại bom “xuyên thủng” có khả năng thực hiện điều này. GBU 28 ra đời, cải tiến từ các loại bom xuất hiện trước đó, và xuất xưởng tháng 2/1991. Đây là một thứ vũ khí sử dụng chất nổ “truyền thống” tritonal, nặng 2 tấn, chiều dài 5,72 m, đường kính 37 cm.
Hai mẫu GBU 28 sau đó đã được thả từ máy bay F-111 ở Iraq. Một quả nghe nói trúng mục tiêu, nhưng không biết hiệu quả đến đâu. Tuy nhiên, những năm sau đó, Phòng thí nghiệm Khoa học Los Alamos đã triển khai bom B61-11. Dự án của nó có lẽ bắt đầu từ trước đó, năm 1989.
Rất khó so sánh lợi ích quân sự của GBU 28 và mininuke, vì thông tin kỹ thuật hiếm khi được công khai. Nhưng khác biệt rất rõ nét. Mininuke nhẹ hơn, 300 kg so với 2 tấn. Nhưng trên hết là sức công phá: Một quả bom GBU 28 với 306 kg chất nổ tritonal, tương đương khoảng 385 kg TNT, thua B61-11 đến cả nghìn lần (B61-11 yếu nhất cũng được tương đương 300 tấn TNT).
Tháng giêng năm nay, Viện Chính sách Công chúng Quốc gia, một đội cố vấn chuyên về các vấn đề chiến lược tái khẳng định sự cần thiết phải sử dụng vũ khí hạt nhân hạng nhẹ: “Trong tương lai, nước Mỹ có thể cần sử dụng loại vũ khí hạt nhân đơn giản, có sức công phá yếu, được điều khiển, để chống lại các mục tiêu cụ thể và kiên cố như các nhà máy sản xuất vũ khí sinh học dưới lòng đất”.
Một số tác giả của bản báo nay đã nắm giữ những chức vụ cao trong chính quyền Bush như Stephen Harley - trợ lý của Cố vấn an ninh Quốc gia Codoleezza Rice, Robert Joseph - trợ lý đặc biệt của Tổng thống về vấn đề phổ biến vũ khí, hay Stephen Cambone và William Schneider - những cố vấn thân cận của Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld.
Một bài báo trên tờ Japan Times ngày 20/9 khẳng định là theo một nguồn tin ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình lên Tổng thống chiến thuật sử dụng vũ khí hạt nhân, như là một biện pháp trả đũa vụ tấn công 11/9.
Nhưng một chuyên gia Pháp giải thích: “Việc các nhà quân sự phát biểu tất cả những khả năng họ có thể tưởng tượng ra được là rất thông thường. Qua những gì tôi biết, tôi cho rằng ông Bush loại trừ hoàn toàn khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân".
Hans Kristensen xác nhận: “Tôi cho rằng không một người nào có trách nhiệm ở Washington tính đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử trong hoàn cảnh hiện giờ ở Afghanistan. Giả thiết duy nhất có thể là Mỹ tin rằng ai đó sắp sửa tung ra một thứ vũ khí hạt nhân hay sinh học từ một địa điểm xác định, và biện pháp duy nhất để ngăn chặn là đánh bom hạt nhân vào nơi đó”. Nhưng ông nói tiếp: “Câu hỏi thực tế là nếu không ai cân nhắc một cách nghiêm túc đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, tại sao chủ trương sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại?”
Minh Châu (theo Le Monde)