Ngày 9/1 - hai ngày sau khi giải Quả Cầu Vàng trở thành cuộc biểu dương của phong trào chống xâm hại và quấy rối tình dục, Deneuve đưa ra ý kiến trái chiều. Bà cùng 100 tác giả, nghệ sĩ biểu diễn và học giả nữ Pháp viết thư ngỏ gửi cho báo giới phương Tây, chỉ trích làn sóng tố cáo quấy rối và xâm hại tình dục đang ngày càng dâng cao ở Hollywood.
Theo nhóm nghệ sĩ Pháp, chiến dịch này đã bị biến thành một cuộc "săn phù thủy" (witch hunt - cuộc thanh trừng những người bị cho là dùng ma thuật thời Trung Cổ, gây hoảng loạn khi nhiều người bị xử tội mà chưa rõ bằng chứng).
Tờ Le Monde trích dẫn lá thư: "Hiếp dâm là tội ác, nhưng hành động ve vãn người khác - dù dai dẳng và sống sượng - thì không phải. Đàn ông thể hiện sự hào hoa phong nhã cũng không thể bị xem là tấn công người khác. Những người đàn ông đã bị trừng phạt ngay tức khắc, bị sa thải, dù họ chỉ chạm vào gối người khác hay cố đoạt lấy một nụ hôn. Những người đàn ông bị hủy hoại danh tiếng chỉ vì nói chuyện thân mật trong những bữa tối bàn công việc, hoặc gửi những tin nhắn có liên quan đến tình dục cho những phụ nữ không đáp trả sự quan tâm của họ".
Cũng theo lá thư, phong trào chống xâm hại tình dục bắt đầu bằng việc giải phóng cho phụ nữ cất tiếng, nhưng rồi chuyển hướng cực đoan, biến thành sự hăm dọa và ngăn cản những người không đi theo quan điểm này.
Catherine Deneuve chia sẻ trên mạng xã hội: "Tôi không nghĩ đây là biện pháp đúng đắn để thay đổi, mọi chuyện đã đi quá đà. Là phụ nữ, chúng tôi không đặt mình vào phong trào nữ quyền này. Nó đã đi quá chuyện tố cáo các hành vi lạm dụng tình dục, trở thành việc thù ghét đàn ông và bản năng tình dục".
* Catherine Deneuve đóng "Đông Dương"
Phát ngôn của Deneuve cùng bức thư bị một số nhà hoạt động và nghệ sĩ chỉ trích. Tờ Guardian trích dẫn lời một nhóm nữ quyền Pháp: "Không có gì mới trong những tranh luận của họ. Họ cũng giống những gã đồng nghiệp đáng xấu hổ hoặc những người lớn tuổi không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Một lần nữa họ lại dùng địa vị cao trong truyền thông để biến các hành vi bạo lực tình dục trở nên bình thường. Họ khinh thường hàng triệu phụ nữ đang hoặc từng chịu đựng thứ bạo lực này".
Asia Argento - một trong các nữ diễn viên đầu tiên tố cáo Harvey Weinstein - viết trên Twitter: "Deneuve và những phụ nữ Pháp chứng tỏ rằng sự coi thường phụ nữ đã ăn sâu, khiến họ không thể quay lại nhìn nhận sự việc". Trên Guardian, chuyên gia hoạt họa Collen Doran cho rằng minh tinh Pháp khó cảm thông với phong trào bởi địa vị cao của bà: "Deneuve có thể có quan điểm rất khác về quấy rối nếu bà ấy không phải một phụ nữ da trắng, giàu có, đẹp tuyệt trần và sống trong bong bóng của những đặc quyền".
Catherine Deneuve sinh năm 1943, là huyền thoại điện ảnh Pháp với hàng loạt vai diễn ấn tượng. Bà có 14 đề cử giải César và hai lần chiến thắng. Năm 1985, minh tinh được nước Pháp chọn làm biểu tượng Marianne - đại diện cho tinh thần tự do của quốc gia. Deneuve từng đóng Indochine (Đông Dương) - tác phẩm quay ở Việt Nam, lấy bối cảnh thời Pháp thuộc. Năm 2016, bà trở lại Việt Nam theo lời mời của ban tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội.
Từ sau khi scandal của ông trùm Harvey Weinstein bị phanh phui, làn sóng tố cáo xâm phạm và quấy rối tình dục nổ ra ở Hollywood. Nhiều nghệ sĩ như Kevin Spacey, Brett Ratner, Bryan Singer bị khơi lại các vụ việc cũ, dẫn đến danh tiếng bị hủy hoại. Phong trào #MeToo nở rộ trên mạng xã hội khi nhiều người gắn hashtag này vào các thông điệp tố cáo. Tương tự, ở Pháp có phong trào dùng hashtag #BalanceTonPorc ("Gọi tên kẻ dơ bẩn xâm hại bạn") khi tố cáo. Tinh thần này được cho là sẽ phủ bóng các giải thưởng điện ảnh sắp tới, trong đó có Oscar 2018.
Ân Nguyễn