Mấy ngày giáp Tết, những kẻ xa quê, những người hoài cổ thường nhớ nhất mùi hương.
Đó là mùi khói, mùi củi bếp, mùi gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn quyện với mùi lá dong bám chặt trong kí ức. Đứa trẻ ngày ấy thao thức cả đêm giao thừa chờ đến sớm mùng một để được hít hà mùi quần áo mới tinh, mùi tiền mừng tuổi mới cứng, thơm phức.
Là hương thơm của nồi nước mùi già tắm chiều tất niên, là mùi pháo vừa thơm vừa khét, mùi trầm nhang thoang thoảng trên ban thờ.
Là mùi hương dịu dàng của huệ, thủy tiên; mùi hăng hắc hoang dại của thược dược và cúc vạn thọ. Hay mùi mồ hôi nhọc nhằn những ngày tất bật buôn bán cuối năm của cha mẹ.
Ta say sưa ôm ấp những mùi hương yêu dấu ngày trẻ thơ ấy, còn mùi hương cũng theo hơi thở đi thẳng vào tim não ta, bám chặt ở đó rồi trở thành kí ức vĩnh cửu, luôn làm ta xốn xang, chộn rộn mỗi khi chúng cựa mình.
Nói như nhà văn Đức Patrick Süskind trong tiểu thuyết đầy kịch tính mang tên "Mùi hương" thì ta có thể nhắm mắt trước sự vĩ đại, trước sự khủng khiếp, trước cái đẹp và có thể bịt tai trước những tiếng du dương hay ầm ĩ. Nhưng ta không thể trốn chạy mùi hương. Vì mùi hương là anh em của hơi thở. Nó theo hơi thở vào người, không cưỡng lại được nếu ta muốn sống. Mùi hương sẽ đi vào trung tâm của ta, ngay thẳng vào tim để quyết định ở đó một cách dứt khoát về cảm tình hay khinh thường, ghê tởm hay thích thú, yêu hay ghét.
Điều gì khiến mùi hương gắn chặt vào tâm trí ta để rồi khơi gợi bao nhiêu kí ức xa xôi trong ta đến thế?
Ta thường có thể gọi tên sự vật bằng cách mô tả hình dáng hay âm thanh mà chúng phát ra, nhưng thật khó khi phải mô tả mùi hương. Thay vào đó, ta gắn mùi với những thứ sinh ra chúng. Ví như, chẳng dễ dàng chút nào để mô tả nhưng ai cũng có thể ngay lập tức hình dung ra mùi bánh chưng hay mùi mứt dừa ngày Tết.
Trong khoa học thần kinh, khi nhìn vào đường di chuyển của tín hiệu thần kinh từ các giác quan như thị giác hay thính giác, ta thấy chúng xuất phát từ thụ quan như mắt hay tai, truyền đến một vùng chuyển tiếp, gọi là đồi thị rồi mới đi đến vỏ não để trở thành cảm giác về màu sắc hay âm thanh.
Đồi thị là trung khu thần kinh thu nhận mọi cảm giác của cơ thể do các sợi thần kinh cảm giác chuyển về, nghĩa là chặng dừng của mọi đường cảm giác từ thụ quan trước khi tới vỏ não để nơi này phân tích, xử lý rồi đưa ra những đáp ứng có ý thức. Đồi thị điều biến cường độ các tín hiệu thần kinh được truyền đến rồi mới chuyển các tín hiệu này lên vỏ não.
Nhưng đối với hương thơm, tín hiệu mùi không dừng lại ở đồi thị hay bất cứ vùng chuyển tiếp nào mà được truyền trực tiếp, nguyên vẹn lên vỏ não.
Vậy là, mùi hương không những đi thẳng vào trung tâm, ngay thẳng vào tim ta mà tín hiệu về mùi còn được truyền trực tiếp đến vỏ não của ta.
Mùi hương ngày Tết, bằng cách đó, đã kết nối thẳng với não người, nơi chúng dù bị lẫn lộn với nhiều ký ức khác và không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm lại, nhưng vĩnh viễn không bao giờ mất đi.
Dương Tú