Sau loạt chiến thắng vang dội trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, Donald Trump trở thành ứng viên duy nhất của đảng sẵn sàng cho cuộc đua. Với việc đánh bại đối thủ tiềm năng nhất Nikki Haley ngay trên bang nhà Nam Carolina của bà, Trump trở thành gương mặt "bất khả chiến bại" của phe Cộng hòa, khiến hàng loạt cựu thù quay sang ủng hộ ông.
Trong men say chiến thắng, Trump bất ngờ hứng chịu một đòn giáng mạnh từ Mike Pence, người từng là phó tướng, đồng minh thân cận nhất của ông ở Nhà Trắng.
Cựu phó tổng thống Pence ngày 15/3 cho biết ông sẽ không ủng hộ Trump trở thành tổng thống, nói rằng ứng viên của đảng Cộng hòa đang theo đuổi chương trình nghị sự "xa rời" chương trình bảo thủ mà họ đã cùng nhau xây dựng trong nhiệm kỳ.
Pence, người từng đóng vai trò cầu nối giữa Trump và các cử tri bảo thủ năm 2016, cho biết ông tự hào về những thành tích của chính quyền Trump, nhưng ngoài những hành động dẫn tới cuộc bạo loạn Đồi Capitol hồi tháng 1/2021 của cựu tổng thống, giữa hai người còn tồn tại nhiều bất đồng khác.
"Khi theo dõi quá trình tranh cử của Trump, tôi đã thấy ông ấy từ bỏ cam kết của chúng tôi về xử lý nợ công. Ông ấy cũng bắt đầu né tránh cam kết bảo vệ cuộc sống của người dân. Tuần trước, ông ấy đảo ngược lập trường cứng rắn với Trung Quốc và không ủng hộ nỗ lực nhằm buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok", Pence nói.
Khi nắm quyền, ông Trump từng cố gắng cấm TikTok khi xem đây như "mối đe dọa an ninh quốc gia". Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn trên CNBC ngày 11/3, ông lại thay đổi lập trường, phản đối việc Hạ viện Mỹ xem xét dự luật có thể dẫn đến việc TikTok bị cấm ở Mỹ. Giới quan sát cho rằng Trump thay đổi quan điểm với TikTok vì không muốn mất lượng lớn cử tri trẻ sử dụng ứng dụng này.
"Đó là lý do lương tâm tôi không thể cho phép ủng hộ ông Donald Trump trong chiến dịch này", ông Pence nói.
Sự thẳng thừng của Pence không chỉ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ vốn gay gắt giữa hai người, mà còn phơi bày những chia rẽ trong đảng Cộng hòa trước thềm cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 11, theo giới quan sát.
Pence cũng cho thấy ông đang đi ngược lại xu hướng của những người từng quay lưng với Trump. Nhiều người từng đối đầu với ông Trump như Thống đốc Georgia Brian Kemp, thượng nghị sĩ Mitch McConnell hay nghị sĩ John Thune gần đây đồng loạt tuyên bố quay sang ủng hộ ông Trump, sau thời gian dài đối đầu với cựu tổng thống.
Giới quan sát cho rằng tiếng nói của cựu phó tổng thống có thể làm lung lay lập trường của những người đang có ý định quay lại ủng hộ Trump, theo Aaron Blake, nhà phân tích của Washington Post.
"Quyết định của ông cũng có thể mang tới cho những người ủng hộ ứng viên khác đã rời đường đua, như Nikki Haley, cơ sở để tiếp tục níu kéo hy vọng thay đổi", Blake cho hay.
Các chuyên gia cho rằng điều này có thể làm tổn hại hình ảnh của Trump và gây ra một số rủi ro với ông trước thềm đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa vào tháng 7, sự kiện quyết định cựu tổng thống có chính thức trở thành ứng viên đại diện hay không.
Lời từ chối ủng hộ của ông Pence cũng làm nổi bật lập trường trái ngược giữa các quan chức đảng Cộng hòa cũng như những người từng phục vụ trong nội các của Trump. NBC News mùa hè năm ngoái liên hệ với 44 cựu quan chức nội các Trump và thấy rằng chỉ có 4 người trong số họ cam kết ủng hộ cựu tổng thống trong giai đoạn đầu bầu cử sơ bộ.
Nhiều người đã trở thành tiếng nói chỉ trích Trump mạnh mẽ như cựu chánh văn phòng John F. Kelly, hay cựu bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis và Mark T. Esper.
Những quan chức này có một điểm chung với nhiều đồng minh cũ đã đoạn tuyệt với ông Trump: họ không có ý định xây dựng tương lai chính trị trong đảng và không định thu hút cơ sở ủng hộ cựu tổng thống.
"Pence có lẽ ở trong phe đó", Blake nhận định. "Bây giờ hãy chờ xem những người khác có làm theo ông ấy hay không".
Thanh Tâm (Theo Washington Pots, WSJ, AFP)