Trong ký ức tuổi thơ như một chiếc túi thần, là những buổi trưa giả vờ ngủ, trốn cha mẹ đi bắt chuột cùng các anh lớn; là những ngày hè nắng cháy lang thang bắt chuồn hùm, là một mình chăn cả đàn trâu....
Nhưng còn nữa, rất nhớ, là những ngày bão.
Miền Trung, ai đó ví như chiếc đòn gánh, bé, dài, mảnh mai mà dẻo dai, gánh hai đầu đất nước.
Thì đúng, hai vựa lúa hai đầu, miền Trung còng cổ gánh bão gió quanh năm... Tôi không nhớ rõ từng cơn bão, nhưng năm nào, mùa này cũng nghe tin bão số 8, số 9. Có năm bội bão, tin bão đến số 12, giật trên cấp 12. Những năm bé tí, còn thinh thích, lớn lên, nghe bão là sợ.
Hồi đó, nhà ông bà nội tôi chưa sửa, cứ nghe tin bão, hay gió mùa, là cha với chú vác dao ra sau nhà dọn cây. Dâu, xoan đào, dưới, bì lời... bị chặt ngọn, chặt cành cụt ngủn, chờ bão.
Tôi chạy vào gian buồng, rồi lại chạy ra, chạy vào, chạy ra, để đạp thử cái tường đất, đoán xem bão về có sập được không...
Có lần, nghe bão to tắm, tôi dặn ông nằm xa tường ra. Chưa hết sợ, tôi đòi ông vần ống cống vào nhà để hai ông cháu chui vô, kẻo tường sập. Ông cười, bảo bão nó ít tuổi, nó sợ ông nhiều tuổi, an tâm. Vậy là tôi an tâm ôm ông, sờ tai ông ngủ. Mai dậy trời sáng trong, bão đã qua rồi.
Gần nhà tôi có ông Hóa, nhà bé nhất làng. Bão sắp đến, ông cũng đào một cái hố sâu sâu dài dài, lắp mấy ống cống lại như cái hầm, rồi lót rơm rạ, kéo thằng con trai xuống nằm ngủ cùng. Có năm mùa đông rét quá, hai cha con ông ngủ suốt dưới đó luôn. Tôi xin cha sang ngủ nhờ một hôm mà không được, nên cứ thế, mang nỗi thèm ngủ hầm suốt cả tuổi thơ.
Tám tuổi, tôi rủ em trai và thằng bạn hàng xóm đi xem cây đổ sau một cơn bão. Cây bông gòn bị đốn ngã, tôi tiếc cây, mân mê lớp vỏ xù xì. Bỗng nghe rân rân. Thấy hay, tôi kêu mấy đứa tới sờ. Đứa nào cũng thấy tê tê đầu tay, tưởng cây bông gòn già có phép. Đang tranh nhau sờ thì chú Sáu đi qua, tát tai mỗi thằng mỗi cái, bảo: "Ngu, điện hở, giật chết giờ". Lúc ấy chúng tôi mới biết điện trên cột rò sang. May mà cả lũ vẫn còn sống để đón những cơn bão sau.
Có một năm, vừa bão vừa lũ. Nước dâng cao, ông nội, cha và chú Sáu đi thả sa. Sa là cái vật dùng bịt họng cống, cá theo nước bơi qua thì bị giữ lại. Chỉ sau một đêm, nhà tôi có 5-6 thúng cá: thác lác, diếc, cá quả, cá rô... Tôi mê mẩn món thả sa, đi học về là chạy vội lên canh. Tầm 15 phút tôi lại nhấc sa một lần, tay thấy nặng là bụng khấp khởi mừng. Có lần, vừa kéo lưới, tôi vừa túm miệng sa thấy nặng tay, hí hửng. Bọc lưới vừa nhô lên khỏi mặt nước cũng là lúc tôi co giò chạy.
Rắn.
Mất trắng mẻ cả vì rắn. Biết rắn nước lành, nhưng muôn đời tôi vẫn sợ.
Năm có trận bão lịch sử, nhà tôi chặt hết xoan đào, dưới, bì lời và phi lao sau nhà. Tôi nín thở thức chờ bão. Nửa đêm, gió thốc từ ngoài biển vào, điện tắt phụt. Gió cuốn mù mịt, rít từng cơn, giật tung tóe đám tàu chuối tội nghiệp. Rồi mưa to, nhà chỗ nào cũng dột, bếp bị tốc mái, sập tường.
Sáng mai, cả làng nát vụn, xác xơ, nhìn nhau muốn khóc. Rồi lại cắm cúi làm ăn, tích cóp, sang năm bão đến, lại nát tan.
10 năm trước, sau một đợt bão, mẹ tôi và bác tôi sang xã bên đòi nợ. Gia đình tôi buôn bán nhỏ ở chợ, cho một cô nợ tiền hẹn đến mùa thì trả lúa. Mãi không thấy, mẹ phải cùng bác vào tận nhà.
Đến nơi, mẹ và bác tôi thấy cả nhà đang ngồi bên mâm cơm, độc một nồi cơm trắng, một bát muối tinh và rổ rau lang luộc. Bốn đứa con lớn bé tranh nhau xới cơm, gắp rau chấm muối...
Thấy cảnh đó, hai bà ứa nước mắt, rồi không nói, bỏ đi, lát sau quay lại với một bọc bánh mì cho mấy đứa nhỏ.
Bây giờ, đi đây đi đó, tôi vẫn chứng kiến cảnh các em bé bẫy chuột làm thịt ăn với cơm, vẫn còn những đứa trẻ nông thôn, vùng núi độc manh áo cộc chắn gió.
Năm nay, mùa bão đã lại về. Dải đất Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng này, đã nằm vào rốn bão, rốn lũ, không còn cách nào khác ngoài chống chọi, khó mà tránh khỏi những tai ương bão táp như vậy.
Năm nào cũng căng mình chống chọi, rồi vẫn hàng chục, hàng trăm người chết, hàng vạn ngôi nhà nát tan. Phải làm sao?
Tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, tôi nhận thấy, hóa ra không phải ngẫu nhiên mà một đứa trẻ lớn lên trong bão lũ lại sống cả tuổi thơ trong nỗi ám ảnh về bức tường đất sẵn sàng đổ sập và ước mơ về căn hầm trú ẩn chắn chắn như vậy.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, đối với khu vực miền Trung, xây nhà kiên cố (chẳng hạn bê tông, cốt thép, mái đổ bằng), tuân thủ các nguyên tắc thiết kế chống bão (Bộ Xây dựng có hướng dẫn), là giải pháp tối ưu. Đối với các hộ gia đình nghèo, chưa có điều kiện về nhà cửa, có thể chung tiền hoặc kêu gọi tài trợ, xây các căn hầm lô cốt dành cho cộng đồng.
Nhà cửa kiên cố hơn, thì bão, dù vẫn đến, sẽ bớt phần thiệt hại, đặc biệt là về người.
Làng tôi giờ đã vững vàng hơn trước những cơn bão. Tôi ít phải nghe tin về những cái chết oan uổng vì mưa lũ của hàng xóm, láng giềng. Nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo xây nhà đã và đang được Chính phủ cùng các tổ chức triển khai, nhưng theo thống kê của Bộ Xây dựng năm 2022, còn ít nhất 30.000 hộ nghèo chưa được hưởng chính sách cải thiện nhà ở chống bão lũ; tức vẫn còn nhiều ngôi nhà ọp ẹp, mong manh như nhà tôi hàng chục năm về trước.
Vẫn cần nhiều lắm sự đùm bọc, quan tâm của cộng đồng để khúc ruột miền Trung bớt tổn thương mỗi mùa bão quét.
Đặng Duy Linh