Sáng 26/10, ông Ngô Quang Tuấn, phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) nghe thông tin bão Molave đổ bộ vào miền Trung với sức gió mạnh nhất 150 km/h, giật cấp 15, ông đã dừng công việc chạy xe tải để ở nhà lo phòng chống. Trong thời tiết nắng ráo, ông mua hơn 30 túi bóng loại lớn và kéo vòi nước lên mái nhà.
Lần lượt từng bao chứa đầy nước được buộc chặt chất lên thành hai dãy. Ông dùng dây neo giữ các bao nước lại với nhau. "Trước đây tôi thường dùng bao cát đặt lên mái để phòng chống gió bão thổi bay mái tôn. Tuy nhiên nguồn đất cát khan hiếm nên chuyển qua dùng túi nylon", ông nói và cho biết nhiều năm qua áp dụng để phòng chống bão thấy hiệu quả, nó giữ được mái tôn. Cách làm này mua túi bóng rẻ tiền và nguồn nước có sẵn, dễ làm.
Chiều cùng ngày, hệ thống loa phát thanh các xã, phường trên địa bàn Quảng Nam phát liên tục bản tin báo bão và khuyến cáo người dân chằng chống nhà cửa, chủ động ứng phó với cơn bão cường độ mạnh. Nhiều người tiến hành gia cố nhà cửa, chặt tỉa cây xanh phòng chống bão Molave.
Ở Đà Nẵng, chiều hôm qua thời tiết khô ráo. Trên nhiều tuyến đường ven biển, công nhân công ty cây xanh đã cắt tỉa cành đề phòng bão vào. Ven biển Phước Mỹ, phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), nhiều người dân ra xúc cát vào bao tải nhỏ mang về chằng chống lại nhà cửa.
Anh Nguyễn Xuân Minh (27 tuổi, phường Thọ Quang) cho biết, khi hay tin cơn bão lần này rất mạnh so với những cơn bão trước, nên đã cùng em gái mua 20 bao tải nhỏ để lấy cát cách nhà gần một km về chận lại mái tôn căn nhà cấp bốn cũ. Anh cũng mua mì tôm dự trữ, phòng khi gió bão không ra đường được.
Ở bến cá Thọ Quang, nhiều người dân đã kéo tàu thuyền lên bờ, thuê xe cẩu đưa vào vỉa hè trú tránh. Riêng âu thuyền Thọ Quang, nhiều tàu thuyền cỡ lớn vào trú tránh bão từ cơn bão trước vẫn chưa ra khơi, được chủ neo lại.
Nằm ở vùng khả năng bão đổ bộ, hàng trăm người dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cũng ra bờ biển xúc cát để chằng chống nhà. Anh Trương Văn Đại, nhà ở sát bờ biển cho biết, bờ biển của thôn thường xuyên bị sóng lớn do bão uy hiếp. Do vậy, khi nghe tin cơn cuồng phong sắp vào, gia đình anh dùng cọc đóng ở sau nhà và bao cát để chắn sóng.
Ông Tiêu Viết Thanh, Trưởng thôn Phước Thiện 1 cho biết, thôn có 200 hộ với 600 người. Nằm ở vùng biển nên người dân luôn cảnh giác với bão. Từ sáng qua, nhiều người đã thu lưới, đưa thuyền lên cao trước khi chằng chống nhà. Phần lớn các nhà dân ở đây đều là nhà cấp 4. "Chính quyền đã chuẩn bị phương án đưa người dân đến nhà văn hóa, trường nghề", ông Thanh nói.
Nằm ở vị trí ngay cửa biển bãi ngang, nhà ông Lê Ca ở thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi, luôn là một trong những hộ bị ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên bởi gió bão và triều cường. Ông rất lo lắng khi nghe bão số 9. Hai ngày trước bão vào, ông đã mua dây thừng về ràng lại mái tôn căn nhà. "Cả gia đình tôi đã chuẩn bị tinh thần di dời rồi", ông Ca nói.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Chỉ huy trưởng quân sự xã Đức Lợi biết, đã huy động lực lượng dân quân giúp người dân dồn cát vào bao tải, đưa lên mái tôn; dọn dẹp, di chuyển các vật dụng trong nhà đưa đến nơi an toàn.
Hôm qua, UBND Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định đã cho học sinh nghỉ học từ hôm nay. Các tỉnh này cũng lên phương án di dời người dân ở các vùng ven biển, sông, các trạm viễn thông để đảm bảo an toàn tính mạng.
Trong đó, Quảng Ngãi dự kiến sơ tán 70.000 người. Đà Nẵng đã lập kế hoạch sơ tán hơn 19.000 hộ với 72.000 người, theo kịch bản bão gió cấp 8-11. Đối với kịch bản bão cấp 12-13, Đà Nẵng sẽ di dời hơn 35.200 hộ, tương ứng hơn 140.000 người. Tỉnh Bình Định dự kiến sơ tán gần 65.000 người.
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch TP Tam Kỳ (Quảng Nam), cho biết trưa 27/10 tiến hành sơ tán trắng xã ven biển Tam Thanh với có 1.200 hộ, tương ứng hơn 5.000 người; 50% di dời đến nhà người thân không giáp biển, số còn lại đến trường học, bộ đội biên phòng... "Chính quyền sẽ chuẩn bị lương khô, bánh chưng, mì tôm, nước uống... phục vụ người dân trong trời gian trú tránh bão", ông Ảnh nói.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các hồ chứa thủy lợi nhỏ do huyện quản lý, nếu không an toàn cần có phương án sơ tán dân. "Hệ thống thủy điện được yêu cầu căn cứ vào tình hình có phương án vận hành, trong 36 giờ tới phải đưa mực nước hồ về mức thấp nhất trước lũ có thể để đảm bảo an toàn", ông Thanh yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Quảng - tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nói cơn bão số 9 rất mạnh và có hướng đi phức tạp, do đó các sở, ngành và địa phương phải đề ra kế hoạch chi tiết phòng, chống bão hiệu quả. Ông Quảng cũng đề nghị thành phố cấm người dân và các xe đi trên đường phố từ chiều tối 27/10, trừ người và xe đang làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, không để tình trạng "đi cứu một người mà thiệt hại hai đến ba người".
Bão Molave hình thành sau bão Saude, hôm 25/10 ở phía Đông Nam thủ đô Manila. Sau khi quét qua Philippines, gây mưa lớn và gió giật khiến hàng chục nghìn người dân phải sơ tán, bão tiếp tục mạnh lên trên Biển Đông.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 22h ngày 26/10, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 350 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất 150 km/h, giật cấp 15. Bão đi theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25 km/h, có khả năng mạnh thêm. Đến 22h ngày 27/10, tâm bão cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 250 km, dự kiến đổ bộ vào đất liền sáng 28/10.
Đắc Thành - Nguyễn Đông - Phạm Linh - Việt Quốc