Thứ bảy, 14/12/2024
Thứ hai, 19/7/2021, 17:02 (GMT+7)

Miền Tây ngày đầu giãn cách xã hội

Cầu Rạch Miễu vắng xe, chợ cổ Cần Thơ đóng cửa, người dân xếp hàng chờ mua gạo... là những hình ảnh ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Hơn 11h, hai chuyến tàu cao tốc từ TP HCM cập bến phà tạm Rạch Miễu (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) để chở rau về TP HCM. Theo Sở Công thương Tiền Giang, mỗi tàu có khả năng chứa 17 tấn rau, củ quả.

Số hàng này được thu mua từ các hợp tác xã trên địa bàn. Một số đơn vị lớn trên địa bàn tỉnh có khả năng cung cấp trên 100 tấn rau, củ quả một ngày.

Từ 8h, hàng chục người dân xếp hàng chờ mua gạo tại trụ sở UBND xã Bình Thạnh (huyện Thủ Thừa, Long An). Mỗi ký gạo giá 9.000-10.000 đồng. Mỗi người xếp hàng được mua một lần một bao (loại 25 kg).

Điểm bán gạo do Sở Công thương tỉnh phối hợp doanh nghiệp tổ chức từ hai ngày trước. Dân quân cùng cán bộ đoàn luôn túc trực, hướng dẫn người dân giữ khoảng cách, phun khử khuẩn và đo thân nhiệt. Hôm 18/7, đã có trên 400 bao gạo được bán.

Tại đường dẫn lên cầu Cần Thơ, chốt kiểm soát Covid-19 được dựng trên quốc lộ 1A (thuộc quận Cái Răng). Tại đây tất cả người đi xe máy sau khi qua cầu đều phải được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, trình giấy kiểm tra test nhanh hoặc xét nghiệm âm tính nCoV mới được tiếp tục chạy.

Trường hợp chưa có giấy test nhanh Covid-19 thì sẽ được hướng dẫn thực hiện tại chỗ; nếu người về từ vùng dịch vào Cần Thơ sẽ được yêu cầu cách ly 21 ngày.

Trung tá Võ Quốc Thái (Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cùng đồng đội đang chuẩn bị lập chốt kiểm soát mới ngay dốc cầu Cần Thơ để giảm tụ tập, ùn tắc khi lượng lưu thông tăng.

Đường 30 tháng 4 ở quận trung tâm Ninh Kiều, TP Cần Thơ vắng bóng xe cộ. Từ ngày 24/6 đến nay, TP ghi nhận 138 trường hợp mắc Covid-19. Nhiều khu vực tại quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thuỷ bị phong toả.

Chợ Cần Thơ đã đóng cửa đã đóng cửa để phòng chống Covid-19. Đây là một trong những chợ cổ nhất miền Tây, với diện tích hơn 1.700 m2.

Ông Nguyễn Hoàng Hùng (69 tuổi) làm nghề vá xe ven công viên Đồ Chiểu, quận Ninh Kiều cho biết chưa bao giờ thấy cảnh vắng người và ế ẩm như lúc này. "Bình thường, tôi kiếm được 160.000-200.000 đồng mỗi ngày, hôm nay chưa tới 50.000-60.000 đồng", ông nói.

Anh Phạm Đỗ Minh Trung (trái), ở quận Ninh Kiều vận động các mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại quận Bình Thủy. Hiện bệnh viện có 100 giường, đã tiếp nhận điều trị hơn 30 người.

Ông Nguyễn Phước An (58 tuổi) ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, tranh thủ chăm sóc vườn mít Thái để đợi giá tốt, dịch bệnh được kiểm soát sẽ bán.

Ông Lê Văn Việt, ở ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vác dụng cụ bắt cá ra đồng. Mỗi ngày ông Việt đều kiếm cá để cải thiện bữa ăn cho gia đình, có dư sẽ bán ở chợ xã. Ảnh: Con-TuSa.

Ngày 17/7, Thủ tướng quyết định áp dụng cách ly xã hội 19 tỉnh thành, gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện); bổ sung TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Làn sóng Covid-19 thứ tư ở phía Nam từ TP HCM lan ra các tỉnh từ cuối tháng 5. Đến nay, tất cả 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ và 13 địa phương Tây Nam Bộ đều xuất hiện ca nhiễm. Tính đến chiều 19/7, 19 tỉnh, thành này đã ghi nhận 42.876 ca, chiếm 79% số ca của cả nước (54.325 ca).

Hoàng Nam - Cửu Long - Ngọc Tài