Miền Tây chất phác, dễ mến mà lại thế sao? Người miền Tây thật thà, hiếu khách đâu mất rồi? Nhiều câu hỏi như vậy được bạn đọc VnExpress đặt ra sau thông tin một đoàn khách ăn ba thố cháo cá lóc bị “chém” 2,4 triệu đồng ở Tiền Giang.
Một độc giả ở phía Bắc thất vọng thốt lên: “tôi vốn rất thích những người miền Tây nên khi đọc tin này tôi bị sốc”.
Một bạn đọc khác cũng ngạc nhiên không kém: “Trước đây về Miền Tây, nếu ăn uống hay dùng dịch vụ gì cũng không cần phải hỏi giá trước như ở ngoài Bắc. Bữa nay lại phải ngã giá rồi. Buồn thật”.
Nhiều bạn đọc khắp nơi đã chia sẻ thêm nhiều câu chuyện “chặt chém” khác để chứng minh rằng vấn nạn này thực sự đang diễn ra ở khu vực miền Tây.
Anh Hung Vuong cho biết cũng bị chém 700 ngàn cho 1 lẩu cháo nhỏ xíu khoảng nửa con cá lóc ở cung đường trên.
Hai vợ chồng anh Phạm Trung Hiếu khi đưa cháu về quê ở Sóc Trăng, dừng lại ăn uống ở một quán tại Tiền Giang. Gia đình anh chỉ uống 1 chai nước ngọt, 1 trái dừa và 1 ly cà phê nhưng bị tính tới 150 ngàn đồng. Vì không muốn cãi cọ, anh Hiếu đành “cắn răng” thanh toán cho qua chuyện. Anh tự nhủ chỉ còn cách mang nước theo uống dọc đường cho an toàn.
Thậm chí, là người miền Tây như anh Thanh Phước cũng bị “hố” khi ghé vào một quán quán lớn gần khu công nghiệp Tân Hương để ăn tô cháo cá với giá 100 ngàn đồng, trong khi giá bình thường chỉ là 20 ngàn. Dù có tranh cãi với chủ quán thì giá tiền vẫn không thay đổi.
Việc chặt chém không chỉ diễn ra tại các quán lớn, có biển hiệu đàng hoàng mà ngay cả các quán vỉa hè, nhỏ lẻ dọc đường cũng tranh thủ “móc túi” khách đi đường.
Một bạn đọc vẫn còn chưa hết sửng sốt kể lại: “Ngày 27/2 tôi đi Bến Tre công tác, khi về ghé Tiền Giang ( gần đường vào cao tốc) uống 3 trái dừa bị chém 120 ngàn đồng”. (xem thêm: Đường về Tết bị 'chém' 1 tô phở 75.000 đồng)
Cũng kiểu “chém không thương tiếc” như trên, anh Tuấn Minh đã phải trả 140 ngàn cho 4 chai nước ngọt trong một lần đi Đồng Tháp ghé ngang qua đoạn đường này.
Những ai hay đi qua miền Tây này hẳn rất quen thuộc với dạng quán cà phê võng. Tại đây việc chặt chém còn lộ liễu và công khai hơn. Một tô mì giá 60 ngàn, chai trà xanh giá 30 ngàn, chai nước ngọt giá 50 ngàn là chuyện rất bình thường theo lời nhiều độc giả.
Thậm chí, khi bị phản ứng lại, chủ quán còn có thái độ thách thức như trường hợp của anh Nhã Quốc: “Tôi cũng có ghé ăn 1 lần tại Cai Lậy (Tiền Giang), 1 tô cháo cá 60 ngàn và 1 chai nước 25 ngàn. Tôi thắc mắc thì chủ quán nói tính vậy đó được không, nếu không thích thì đi kiện đi”.
Như vậy, chuyện “chặt chém” khách đi đường tại các quán ở miền Tây là có thật và theo một số bạn đọc thì không phải chỉ riêng tại đây mà khắp mọi miền đều có.
Trước thực trạng trên, nhiều độc giả cho rằng chỉ còn cách hỏi giá trước khi ăn để khỏi bị “chặt chém” và tốt nhất nên hỏi thăm, tham khảo để biết trước quán nào buôn bán đàng hoàng.
Bạn đọc phuochaivnm còn cẩn thận liệt kê những điều cần chú ý để mọi người rút kinh nghiệm khi ăn uống dọc đường:
- Chọn quán dọc đường nếu lần đầu ghé thì phải chọn quán nào có nhiều xe tải ghé vào ăn (phải chiếm đa số nghe).
- Trước khi gọi ăn nên nhìn xung quanh xem mọi người ăn nhiều món nào nhất (đương nhiên là món đó ngon và tính giá phải chăng).
- Hỏi giá trước khi gọi thức ăn, 1 đĩa/bao nhiêu người ăn/bao nhiêu tiền. Nếu gọi phần thì mỗi người bao nhiêu tiền.
- Tuyệt đối không nên ghé những quán vắng khách. Vì không bị chặt chém thì cũng bị tính giá rất cao.
Tuy nhiên, điều mà hầu hết độc giả quan tâm là việc ngăn chặn và xử lý việc hàng quán “chặt chém” ra sao. Sự việc quán ăn Thuận Phát tính 2,4 triệu đồng cho 3 thố cháo cá lóc nhưng sau đó chỉ bị nhắc nhở khi có công an xuất hiện mà không bị thêm bất kỳ một biện pháp chế tài nào khiến nhiều độc giả nghi ngờ sự việc trên sẽ còn tái diễn.
Bạn đọc Hồng Hà đề xuất cách xử lý nặng tay hơn: “Cứ phạt gấp 10 lần thì sẽ hết, như trường hợp này là: 2,4 triệu x 10 = 24 triệu đồng. Nếu vi phạm lần 2 thì phạt gấp 20 lần, lần 3 là 30 lần và lần thứ 4 sẽ thu giấy phép kinh doanh, cứ làm như vậy thật nghiêm liệu có còn nạn chặt chém nữa không ?”
Bạn đọc Dhtmai bổ sung thêm điều kiện “các quán ăn đều phải niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết. Nếu quán ăn trên không làm như vậy thì cứ phạt thôi. Phạt 1,2 lần rồi ra quyết định đóng cửa”.
Chưa hết, bạn đọc còn yêu cầu cần phải có số điện thoại nóng của cơ quan chức năng tại tất cả các hàng quán để khi có việc “chặt, chém” diễn ra thì người dân có thể liên hệ nhanh chóng. Đồng thời bạn đọc cũng mong muốn chính quyền địa phương và các ban ngành cần sát sao hơn trong việc kiểm tra giá cả tại những hàng quán đã bị phản ánh để xử lý triệt để.
Tựu trung lại, bạn đọc kêu gọi những chủ quán kinh doanh không chỉ riêng miền Tây mà khắp cả nước hãy làm ăn trung thực vì nó không chỉ thể hiện đạo đức kinh doanh mà còn là cách để tạo dựng hình ảnh du lịch cho địa phương, xóa đi cái nhìn thiếu thiện cảm của khách du lịch lâu nay về nạn “chặt chém” vẫn đang tồn tại.
>> Xem thêm: Đánh đôi giày bị hét giá 170 nghìn đồng
Diễm Phương (tổng hợp)
Chia sẻ bài viết về các kiểu 'chặt, chém' giá cả tại đây.