Ghi nhận của các trạm quan trắc sáng 7/12 cho thấy, nhiệt độ miền Bắc và Trung tiếp tục giảm 0,5-2 độ so với sáng qua, do nằm sâu trong khối không khí lạnh khô, trời quang mây, bức xạ nhiệt lớn.
Các tỉnh miền núi phổ biến rét 4-8 độ, những điểm cao trên 1.000 m so với mực nước biển như Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai); Đình Lập (Lạng Sơn); Trùng Khánh (Cao Bằng) rét 2 độ C. Đỉnh Fansipan (Lào Cai) cao 3.143 m so với mực nước biển ngày thứ ba liên tiếp xuất hiện băng giá, nhưng mỏng hơn hôm qua.
Vùng đồng bằng Bắc Bộ sáng nay nhiệt độ phổ biến 8-12. Trong năm trạm đo của Hà Nội, thấp nhất là Ba Vì chỉ 8 độ; Hoài Đức xấp xỉ 10; cao nhất là trạm Láng ở trung tâm thủ đô 12 độ C.
Ba tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sáng nay nhiệt độ xuống thấp nhất từ đầu đông. Vùng núi Quỳ Châu (Nghệ An) chỉ xấp xỉ 6 độ; Hồi Xuân, Bái Thượng (Thanh Hóa); Tương Dương, Quỳ Hợp, Tây Hiếu (Nghệ An) quanh ngưỡng 7 độ C.
Đặc điểm của đợt không khí lạnh này là chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rất lớn. 8h trời bừng nắng và đến 12h trưa Hà Nội có thể lên 23 độ, miền núi cao lên 10 độ C. Độ ẩm không khí chỉ 40-50% khiến da khô nứt nẻ, người già và trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hô hấp.
Theo trang Accuweather của Mỹ, từ đêm nay đến đêm thứ hai, nhiệt độ tiếp tục xuống thấp, từ thứ ba trời sẽ ấm dần, mỗi ngày tăng khoảng một độ C.
Tây Nguyên và Nam Bộ hôm nay nền nhiệt xuống thấp hơn hôm qua khoảng 0,5-1 độ. Tây Nguyên phổ biến 10-14 độ; Nam Bộ 18-20 độ, trong đó thấp nhất là Long Khánh, Tà Lài (Đồng Nai) chỉ 17 độ C.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động pha nóng của hiện tượng ENSO, nền nhiệt trung bình các tháng mùa đông có xu hướng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm khoảng 0,5-1,5 độ C.
Đợt rét đậm (trung bình ngày từ 15 độ trở xuống) đầu tiên có khả năng xuất hiện vào đầu tháng 1/2020.
Tất Định