Hôm 26/6, tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, bày tỏ mối lo ngại về việc sẽ không xuất hiện miễn dịch cộng đồng kể cả khi vaccine Covid-19 được đưa vào sử dụng. Điều này càng làm nóng thêm phong trào "chống vaccine".
Trong lúc cả thế giới đang chờ đợi vaccine chính thức, thì vấn đề về khả năng duy trì miễn dịch của nó gây nhiều hoài nghi hơn cả.
Một nghiên cứu từ Trung Quốc cho thấy kháng thể Covid-19 có thể biến mất trong vòng 2-3 tháng. Miễn dịch của bệnh nhân không triệu chứng duy trì ngắn hơn so với những người có biểu hiện. Càng ít triệu chứng thì miễn dịch với nCoV càng yếu.
"Ở những người trẻ không có hoặc biểu hiện nhẹ, lượng kháng thể thậm chí không bao giờ tăng lên. Kháng thể có được cũng chưa chắc đủ khả năng chống lại Covid-19", theo tiến sĩ Sankar Swaminathan, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Đại học bang Utah.
Miễn dịch cộng đồng có được chỉ khi một phần trăm dân số nhất định có miễn dịch, có thể từ việc từng tiếp xúc với mầm bệnh trước đây hoặc do tiêm vaccine. Điều này giúp ngăn chặn lây lan.
Theo Đại học Johns Hopkins, để có miễn dịch cộng đồng sẽ cần khoảng 70-90% dân số có khả năng kháng lại Covid-19.
Hiện nước Mỹ ghi nhận tỷ lệ tử vong do nCov là 4,74%, cao hơn so với cúm thường là 0,1%. Nếu không có vaccine, với xu hướng hiện tại, số ca tử vong có thể vượt 5 triệu trước khi xuất hiện miễn dịch cộng đồng.
Các chuyên gia đã chỉ ra ba yếu tố quyết định liệu vaccine có mang lại miễn dịch cộng đồng hay không.
Thứ nhất là tính hiệu quả của nó. Ví dụ, vaccine sởi tác dụng 97-98%. Tiến sĩ Fauci e ngại rằng với Covid-19, khả năng có loại vaccine hiệu quả hơn 75% là rất thấp.
Thứ hai là độ phổ biến của vaccine. Đây là yếu tố bị chi phối bởi các phong trào chống vaccine. Tiến sĩ Fauci cảnh báo về thực trạng "phản khoa học, chống đối chính quyền, bài trừ vaccine" trong người dân Mỹ và khẳng định sẽ còn rất nhiều điều phải làm để giáo dục người dân về lợi ích của tiêm chủng.
Thứ ba là khả năng duy trì và thời gian hiệu lực của các kháng thể được vaccine tạo ra. Nếu quãng thời gian đó chỉ 2-3 tháng thì sẽ là một vấn đề đáng lo ngại.
Kháng thể là các protein được hệ miễn dịch sinh ra để vô hiệu hóa mầm bệnh. Chúng được sinh ra từ việc tiếp xúc virus trong quá khứ hoặc tiêm vaccine. Tuy nhiên với Covid-19, WHO từng nhận định "không có bằng chứng nào cho thấy những người đã khỏi bệnh sẽ được bảo vệ khỏi lần lây nhiễm thứ hai". Điều này cũng đồng nhất với quan sát của các nhà khoa học, rằng miễn dịch đối với các chủng cúm gây ra bởi virus cùng họ với nCoV chỉ kéo dài trong khoảng thời gian rất ngắn, từ 6 tháng đến một năm.
Nhiều quốc gia như Anh, Brazil hay Thụy Điển cũng từng mong đợi sẽ có được miễn dịch cộng đồng bằng cách này hay cách khác, nhưng kết quả thu được đều không khả quan. Anh và Thụy Điển phải gánh hậu quả là tỷ lệ tử vong trên đầu người cao hàng đầu thế giới. Kể cả như vậy, chỉ 6,1% người dân Thụy Điển và 5% người Brazil có kháng thể với Covid-19, theo kết quả khảo sát.
Các chuyên gia đều thống nhất miễn dịch cộng đồng chỉ có được khi ít nhất 60-70% dân số sinh kháng thể. Điều này chỉ đạt được khi xuất hiện một loại vaccine sẵn có, được sử dụng rộng rãi và hiệu quả dành riêng cho Covid-19.
Linh Phan (theo ABC News)