Thông tin này được ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ tại Diễn đàn Năng lượng cho hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19, ngày 26/11.
Theo ông Lâm, từ tháng 8 đến nay, nhu cầu phụ tải điện toàn quốc tăng trưởng thấp do ảnh hưởng các đợt giãn cách xã hội kéo dài vì Covid-19. Luỹ kế 10 tháng, tổng sản lượng điện toàn hệ thống là 213 tỷ kWh, tăng 3,3% so với cùng kỳ 2020 và thấp hơn 5,7 tỷ kWh kế hoạch năm. Miền Bắc là khu vực có nhu cầu tăng trưởng điện cao, chẳng hạn đầu tháng 8, thời điểm xuất hiện các đợt nóng, công suất điện tại miền bắc đạt hơn 21.780 MW, tăng trên 21% so với cùng kỳ 2020.
Nhưng năm 2022, theo Phó tổng giám đốc EVN, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội sẽ ở mức cao, khi chiến lược phòng dịch chuyển sang thích ứng an toàn, sống chung với Covid-19 và kinh tế mở cửa trở lại.
Hai kịch bản cung ứng điện được tập đoàn này đưa ra. Ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng điện khoảng 8,2% tương đương sản lượng điện toàn quốc là 275,5 tỷ kWh. Kịch bản cao, tăng trưởng điện lên tới 12,4%, tương đương sản lượng điện toàn hệ thống 286,1 tỷ kWh.
Ông Lâm nhận xét, hệ thống điện quốc gia cơ bản đáp ứng đủ điện, nhưng miền Bắc lại tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện cục bộ từ tháng 5 đến tháng 7, khi thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, nền nhiệt trên 36 độ C.
Theo tính toán của EVN, công suất đỉnh phụ tải tại miền Bắc trong năm 2022 có thể đạt 23.927-24.791 MW, tăng 2.076-2.870 MW so với năm 2020. Như vậy, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.500-2.400 MW trong một số giờ cao điểm, thời tiết cực đoan.
Mối lo miền Bắc thiếu điện trong mùa khô năm sau hiện hữu khi thuỷ điện cung ứng trên 45% điện cho khu vực này. Trong khi đó, các nhà máy thuỷ điện đang gặp thách thức khi mực nước về các hồ thuỷ điện thiếu so với các năm. Tính đến tháng 10, khu vực các hồ Lai Châu, hồ Sơn La và Hòa Bình, thiếu hụt khoảng 41% so với trung bình nhiều năm, tần suất 84-98%.
Thực tế, tổng sản lượng thủy điện lũy kế 10 tháng đầu năm theo nước về đạt 62,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,7 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Ước tính đến cuối tháng 12, tổng lượng nước tích tại các hồ thuỷ điện là 14,3 tỷ kWh, giảm 738 triệu kWh. Riêng sản lượng tích nước tại miền Bắc hơn 7,46 tỷ kWh, thiếu hụt 465 triệu kWh.
Để đảm bảo cấp điện cho mùa khô năm 2022, ông Lâm cho hay cần tích nước các hồ thuỷ điện lên mức cao nhất có thể vào cuối năm 2021, nhất là các hồ khu vực miền Bắc và điều tiết giữ ở mức cao đến cuối mùa khô để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thuỷ điện. Tập đoàn này cũng tính tới phương án sẽ huy động tối ưu các nguồn điện phía Bắc, truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc.
Cũng theo Phó tổng giám đốc EVN, tập đoàn này đã ký phụ lục hợp đồng với các nhà máy thuỷ điện nhỏ, điều chỉnh khung giờ cao điểm vào các giờ phù hợp với nhu cầu phụ tải điện.
"Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm thiếu điện trong các giờ cao điểm của miền Bắc. Ngoài ra, tập đoàn cùng các đơn vị sẽ tăng cường nghiên cứu đầu tư các hệ thống lưu trữ điện, tăng nhập khẩu điện từ Lào", ông Lâm chia sẻ.
Ngoài các giải pháp kỹ thuật như trên, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Vị này đề xuất, Việt Nam cần lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế...
Anh Minh