Hình như trong hành trang cuộc sống của mỗi người đều mang theo một chiếc hộp kỷ niệm. Nơi đó chứa đầy những hoài niệm, những giấc mơ thời thơ bé... để mỗi khi đi xa hay trở về, chiếc hộp kỷ niệm lại réo rắt vang lên bản nhạc êm đềm chắp cánh cho tương lai. Tôi gọi điều đó là miền nhớ trong tôi và trong mọi người.
Miền nhớ trong tôi đó là một mảnh sân với những ô gạch vuông màu đỏ tươi, là đầu ngõ với xoan già mùa thay lá. Nơi đó ba chị em tôi và đám trẻ trong xóm nhỏ hay chơi trò bày bán. Những đứa trẻ quê nghèo khó với áo quần lấm đầy đất, vừa trông em vừa vui chơi đủ trò thỏa thích. Tiếng cười giòn tan hòa cùng tiếng khóc mỗi lần giận dỗi... Ở nơi đó mỗi buổi chiều về khói lam chiều lan trên mái bếp. Mắt nội cay nồng tèm nhem khói bụi, nội ngồi đun bếp, ngồi nhai trầu. Nội ngồi ngắm đám trẻ nô đùa trước sân kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích, câu chuyện của bà tiên cô tấm.
Miền nhớ trong tôi không có gì là xa lạ với những ai từng lớn lên từ làng quê. Đó là cánh đồng mênh mông lúa mùa gặt, đám trẻ nô nức như người lớn gặp mùa. Chúng lăn lộn trong rơm vàng đùa nghịch. Từng đống rơm được dựng lên làm trò chơi chốn tìm đầy bí hiểm. Nơi có những trận cười sặc sụa không âu lo. Nơi mà những đứa trẻ như tôi lớn lên trong bao la hạnh phúc. Những mảnh ruộng nặng trĩu gánh lúa của mẹ, những bàn chân chai sạm màu bùn đất dẫm lên gốc rạ sắc vàng mà không hề biết đau rát.
Miền nhớ còn là nơi có nụ cười của mẹ trong lúc mệt nhọc bắt được một chú muôm muỗm béo vàng buộc vào dây rơm cho tôi làm trò chơi, khi chơi chán thì mang nướng ăn béo ngậy. Nơi tôi ngồi trên bờ ruộng ngắm những chú chim chìa vôi thoắt bay thoắt đậu, muốn được bắt và được vuốt ve chúng mà không bao giờ đến gần với chúng được. Mẹ lại kể, năm nào gặt lúa chim chìa vôi cũng bay về. Nó mang điềm lành đến cho người nông dân hứa hẹn một mùa nữa sẽ lại bội thu.
Miền nhớ trong tôi còn có cánh diều vi vu gió khi mùa hè đến. Cánh diều ngày ấy được bố làm cho từ mảnh giấy báo cũ cắt dán. Khi trời chiều xuống thấp, nắng vàng hoe lấp loáng, gió thổi mạnh, trên mỗi triền đê làng cánh diều giấy bay cao mang theo ước mơ và hoài bão của trẻ nhỏ. Những đôi mắt trong veo hò reo trong gió. Cỏ dưới chân mềm mịn đến vô cùng làm chỗ ngả lưng cho tôi và tụi bạn trông đàn bò lững thững nghỉ ngơi sau một chiều bụng no căng cỏ. Bầu trời chiều xanh thẫm một màu xanh tím, những vì sao phía xa sáng bừng lên lấp lánh, đã thành nơi hẹn hò, nơi quần tụ ước mơ hồn nhiên tuổi thơ ấu.
Miền nhớ trong tôi không thể thiếu con sông xanh biếc mỗi lần mùa nước về. Sông xôn xao những vệt tím lục bình. Sông đẹp vàng trải những ruộng cải phía bãi bồi. Sông nặng gánh những bước đi của các dì các mẹ gánh nước. Và sông hòa vào lòng đám trẻ chăn trâu ngụp lặn tắm mát. Sông mang tình yêu đến với chúng. Sông không thể thiếu và tách rời với cuộc sống thôn quê. Sông giàu cá tôm mỗi lần nước rút. Đám trẻ được nô đùa, được mò bắt thỏa thích hến trai mà sông dành tặng. Sông mang đến cho tuổi thơ của chúng tôi biết bao điều tươi đẹp.
Miền nhớ trong tôi đó là những bữa cơm quần tụ đông đủ mọi người trong gia đình. Những bữa cơm ngày đói mùa lạnh, bố đi đánh cá sông mang về cho mẹ làm món cá kho. Bữa cơm chỉ có cá kho tương và canh rau muống luộc. Ba thế hệ trong một gia đình ngồi ăn đầy một nồi cơm gang thoáng chốc đã hết. Ai ăn chậm là bị thiệt. Lúc ấy mẹ cười và thường hay bảo: "Có cá đổ vạ cho cơm". Giờ nghĩ lại vẫn thấy rất đúng, món cá kho luôn đưa cơm trong bữa ăn gia đình những ngày trở lạnh. Bữa cơm chiều đông như ấm hơn khi ngọn đèn dầu bập bùng ngọn lửa in bóng hình cả gia đình trên bức vách. Gương mặt vất vả cả đời vì con vì cháu của nội tôi mang đến câu chuyện thường ngày của cuộc sống xung quanh giúp chị em tôi nhận ra nhiều bài học từ cuộc sống...
Miền nhớ ấy trong tôi có cả những vết đau. Vết đau khi nụ cười trẻ thơ đã đủ lớn đã cảm thấy nó tan chảy thành nước mắt. Và đến giờ mỗi mùa mưa ngâu đến, nó lại nghẹn ngào nhớ. Nhớ cái ao mùa mưa liên miên nở đầy những cánh bèo tấm. Nhớ dáng ngoại lưng lom khom dưới mưa vớt những cánh bèo cho cá có khoang thở. Nhớ cái nắm tay ngoại dặn nó lần cuối rồi theo dòng nước hòa vào biển lớn không trở về. Đó là năm tôi mười tám tuổi, cái tuổi đã đủ nhận ra và hiểu hết những mất mát của đời người.
Những hồn nhiên thuở nhỏ, nụ cười và nước mắt đã dệt lên tuổi thơ tươi đẹp và nó trở thành miền nhớ khi đã đi qua. Đấy không chỉ là kỷ niệm mà còn là những gì thiêng liêng nhất mà tôi vẫn gìn giữ cho riêng mình. Để trong hành trình bước về phía trước, tôi phải cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một quê hương để nhớ khi đi xa, một gia đình để yêu thương và một thời tuổi thơ để trân trọng.
Nguyễn Thị Tháu