Tôi không tin lắm, những quán ăn được các reviewer, tiktoker giới thiệu. Hay nói đúng hơn, nó cũng là một dạng quán ăn được "gắn sao, phong mác". Nào là "những quán ăn phải nhất định thử khi đến Đà Lạt", "đi Vũng Tàu thì đừng bỏ qua những quán này", vân vân và mây mây.
Là một người hay đi du lịch, thời gian đầu khi các reviewer ẩm thực mới nổi, tôi đã dại dột tin lời. Đó là lần đi Đà Lạt, trước đó tôi xem video thấy khá hấp dẫn, giới thiệu về một quán bán bánh ướt lòng gà. Khi trải nghiệm tôi thấy nó không giống như review.
Tối hôm qua, khi có thông tin về những nhà hàng, quán ăn được Michelin vinh danh, trong group chat của tôi và nhóm bạn nổ ra tranh cãi không hồi kết. Ngoại trừ bốn nhà hàng được gắn sao, tranh cãi xoay quanh những quán ăn nhỏ hơn.
"Sài Gòn thiếu gì quán ăn ngon, sao không có trong danh sách?", "Sao không có món bánh mì", "Đã ăn quán cơm này rồi, không hiểu sao có trong danh sách luôn"...
Tôi từng ăn mì ramen ở một quán được xếp sao Michelin ở Nhật. Mì ở đây thực sự rất ngon. Có lẽ đó là bát mì ramen ngon nhất mà tôi đã ăn trong đời. Nếu sau này có cơ hội khác, tôi sẽ ăn thử nhiều quán khác nhau để tăng trải nghiệm.
Phải hiểu rằng căn nguyên của "sao Michelin" bắt đầu từ đầu thế kỷ trước, khi nhà sản xuất lốp xe cùng tên muốn tăng lượng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nên họ đã nảy ra sáng kiến lập một danh sách các quán ăn ngon phải thử. Điều này nhằm khuyến khích mọi người lái xe du lịch, ăn uống, lốp xe sẽ mau mòn hơn và vô tình đẩy doanh số bán hàng cho họ.
Sau này, dần dà nó trở thành một "giải Oscar" trong ngành ẩm thực. Để có tên tuổi trên thế giới như vậy, hiển nhiên các giám khảo của Michelin không phải là những tay ngang đi review ẩm thực trên TikTok.
Nói về ẩm thực, do khẩu vị mỗi người mỗi khác, người Việt lại có câu chín người mười ý nên sự bất đồng về một món ăn, quán ăn là điều dễ hiểu. Với những hàng quán được Michelin vinh danh, cần đợi thời gian và khách hàng kiểm chứng.
Quang Tâm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.