Michael Kors tròn 61 tuổi ngày 9/8, trải qua hơn 40 năm xây dựng đế chế thời trang mang tên mình. Rebecca Arnold - giảng viên cao cấp về lịch sử trang phục, dệt may tại Viện nghệ thuật Courtauld - nói với Independent: "Michael Kors tinh thông trong việc từng bước đưa tinh thần thời trang Mỹ - đơn giản, thiết thực, dễ phối hợp - thành dòng sản phẩm xa xỉ và đại chúng".
Michelle Obama từng chọn váy trơn đen của Michael Kors cho lần đầu xuất hiện với tư cách Đệ nhất phu nhân Nhà Trắng, hay đầm đen pha đỏ khi chồng thắng cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai. Nét đơn giản, sang trọng của thương hiệu thành lựa chọn hàng đầu cho cựu phu nhân tổng thống Mỹ và nhiều người nổi tiếng như: công nương Kate Middleton, Dakota Johnson, Blake Lively, Kate Hudson, Jennifer Lawrence, Taylor Swift, Angelina Jolie, Hillary Clinton, Melania Trump, Ivanka Trump... Các thiết kế đậm dấu ấn Mỹ của ông lấy cảm hứng từ Jackie Kennedy, Audrey Hepburn, Katharine Hepburn...
Trang phục của ông không nhấn mạnh sự độc đáo, lộng lẫy hay màu sắc rực rỡ mà đi sâu vào tính tiện lợi, thực tế nhưng vẫn sang trọng - đúng tinh thần thời trang Mỹ cổ điển. Trả lời phỏng vấn Zee News, ông nói: "Mọi người đều đang sống đời bình thường, bận rộn. Công việc của tôi là làm ra thứ giúp họ thấy dễ chịu, thoải mái khi mặc nhưng vẫn hào nhoáng, chất lượng".
Các bộ sưu tập trên sàn diễn qua nhiều mùa xoay quanh bảng màu trầm như be, nâu, xám, đen, đồ thể thao thoải mái, áo choàng lông, áo len đan, váy, quần tây, bốt đế bằng. Tuy vậy, chúng được làm bằng nguyên liệu chất lượng cao, cắt may tỉ mỉ, phom dáng sắc sảo.
Túi xách cũng là lĩnh vực làm nên tên tuổi Michael Kors, trong đó túi Selma nức lòng giới mộ điệu. Stylist Rebecca Lockwood nói trên Independent: "Mẫu túi hoàn hảo với dân văn phòng bởi cấu trúc cứng cáp, thiết kế đơn giản mà sang trọng".
Kors nhận được nhiều giải thưởng ghi nhận đóng góp trong làng thời trang Mỹ. Năm 2010, ông là người trẻ nhất nhận giải Thành tựu trọn đời Geoffrey Beene từ Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Hoa Kỳ (CFDA). Năm 2013, ông được vinh danh là Nghệ sĩ của Thời trang (Artistry of Fashion) tại giải Couture Council. Cùng năm, nhà tạo mẫu vào top 100 người có tầm ảnh hưởng nhất do tạp chí Time bình chọn. Đến năm 2014, ông thành tỷ phú làng thời trang, gần ba năm sau đưa thương hiệu lên sàn chứng khoán.
Con đường thành công của Michael Kors trải nhiều va vấp. Sinh năm 1959 tại Long Island (New York, Mỹ), cậu bé Karl Anderson Jr (sau đổi thành Michael David Kors) yêu thời trang từ bé. Kors thường nhớ tới hình ảnh người ông bảnh bao, những lần theo chân bà ngoại đi mua sắm cả ngày. Vốn là người mẫu, mẹ ông - Joan Hamberger - trở thành cầu nối giúp Kors sớm tiếp cận ngành công nghiệp may mặc. Bà cũng là người ảnh hưởng nhiều tới phong cách của Kors sau này.
Lên năm tuổi, Kors đã biết sửa váy cưới cho mẹ trong lần bà tái giá. Cậu bé đề nghị mẹ gỡ nơ khỏi váy, Hamberger liền chiều theo ý con, khiến váy cưới trở nên trẻ trung, hiện đại hơn. Mẹ ông nói với ABC News: "Thằng bé nói với tôi nên mặc gì, để kiểu tóc ra sao".
Tuy nhiên, bởi đam mê khác lạ, cậu thiếu niên Michael Kors thường bị bắt nạt ở trường. Ông nói với Vogue: "Tôi không trong đội bóng rổ hay bóng đá mà hay ngồi phác họa trong phòng, suy nghĩ về việc mua sắm. Tôi cảm thấy khác biệt, không hòa nhập". Năm 19 tuổi, ông theo học Học viện Công nghệ thời trang nhưng bỏ học chín tháng sau đó, làm nhân viên bán hàng cho cửa hàng thời trang Lothar’s. Đây cũng là nơi Kors được dành một góc để thiết kế, bán một số mẫu blazer, áo khoác thể thao, váy maxi.
Năm 1981, nhà tạo mốt thành lập thương hiệu riêng. Bộ sưu tập đầu tay năm 1984 là những thiết kế thể thao, được WWD đánh giá "cổ điển, trang nhã, thanh lịch và tối giản", ngay lập tức lên kệ các cửa hàng bán lẻ cao cấp như Bloomingdales, Saks Fifth Avenue, Bergdorf Goodman, Lord & Taylor. Tuy nhiên, đến năm 1993, thất bại trong quản lý buộc thương hiệu ngừng hoạt động một thời gian.
Năm 1997, Kors đầu quân cho hãng thời trang Pháp Celine. Trước đó, Celine chưa từng nổi tiếng với trang phục may sẵn. Nhà thiết kế trẻ hồi sinh thương hiệu bằng phong cách Mỹ đặc trưng với đồ thể thao sang trọng, sneakers, áo len cashmere, đồ lông thú được cắt may khéo léo.
Năm 2003, Michael Kors rời Celine, tập trung cho thương hiệu riêng, chú trọng một số dòng thời trang giá thấp, đánh vào tầng lớp trung lưu, chủ yếu là những nữ công chức hiện đại, độc lập. Ông sớm đa dạng kích cỡ trang phục giúp nhãn hiệu trở nên phổ biến. Tự hào có thể làm đồ cho phụ nữ "từ 12 tới 80 tuổi", ông nói với ABC News: "Một nhà tạo mốt giỏi không chỉ làm đồ cho tất cả mọi người mà còn giúp họ trở nên tuyệt vời. Tôi muốn thiết kế cho mọi cơ thể, độ tuổi".
Một năm sau, nhà tạo mốt được mời tham gia làm giám khảo Project Runway Mỹ. Kiến thức thời trang, phong cách hài hước, dí dỏm giúp Kors được nhiều người quan tâm, chú ý. Trong show thực tế, ông liên tục đặt câu hỏi: "Mọi người sẽ mặc đồ này ở đâu? Phụ nữ thực sự muốn gì? Làm cách nào giúp những đồ bình thường trở nên mới mẻ?". Những câu hỏi của Kors đã tạo động lực cho thế hệ thiết kế trẻ nước Mỹ.
Đến nay, Michael Kors có hơn 1.200 cửa hàng khắp thế giới. Nhà mốt Zac Posen nhận xét với Time: "Michael đem những di sản Mỹ tuyệt đẹp tới tương lai, lan rộng khắp thế giới cho tất cả đàn ông, phụ nữ muốn thành một phần giấc mơ Mỹ".
Bảo Thư