Mị là cô gái xinh đẹp, có tài thổi sáo, được nhiều trai làng say mê. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, cha mẹ lại có món nợ với nhà thống lý Pa Tra, Mị kiên quyết xin cha cho mình làm nương ngô trả nợ. Nhưng một đêm mùa xuân, A Sử lừa bắt Mị về trình ma để làm vợ.
Không chấp nhận kiếp con dâu gạt nợ, Mị định tự tử để tự giải thoát nhưng vì thương cha, cô đành vứt nắm lá ngón xuống đất và cam chịu cuộc sống địa ngục trần gian trong nhà thống lý. Cô bị bóc lột sức lao động đến xương tủy, bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần. Lâu dần, Mị trở nên dửng dưng, cam chịu, vô cảm.
Mở đầu truyện, Tô Hoài viết:
"Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tầng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.
Người ta nói: nhà Pá Tra làm thống lý, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giầu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn. Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải con gái thống lý: cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lý".
Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Kim Hồi trong sách Giảng văn văn học Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998) cho rằng, Vợ chồng A Phủ đã có một mở đầu tương xứng với giọng kể chuyện đẹp như ru. Thế giới Tây Bắc đã được mở ra xa xăm, kỳ diệu, trên cả ý nghĩa và nhạc điệu của lời văn. Một thế giới không phải cổ tích mà như thoảng hương ca dao cổ tích, một thế giới hứa hẹn rất nhiều sức gợi cảm, qua một bức chân dung dung thiếu phụ buồn.
Tô Hoài chủ yếu khắc họa nhân vật trong Vợ chồng A Phủ thông qua ý nghĩ và hành động. Các ý nghĩ và hành động của Mị đều lặp đi lặp lại, quẩn quanh, nhàm chán trong không gian bó hẹp.
"Mỗi ngày Mị không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một cái cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng, Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi", trích truyện ngắn.
Mị từng muốn chết mà không được, vì cô vẫn còn đó món nợ của người cha. Nhưng đến lúc có thể chết đi, vì cha Mị không còn nữa thì Mị lại buông trôi, kéo dài mãi sự tồn tại vật vờ. Chính lúc này, cô gái còn đáng thương hơn. Bởi muốn chết, nghĩa là muốn chống lại cuộc sống không ra sống, nghĩa là xét cho cùng, còn tha thiết sống. Còn khi không còn thiết chết, nghĩa là sự tha thiết với cuộc sống đã không còn. Lúc đó, lên núi hay đi nương, thái cỏ ngựa hay cõng nước cũng chỉ là cái xác không hồn của Mị mà thôi.
Câu 3: Trong ngày Tết, Mị đã làm gì để rồi sau đó nhận ra "Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi"?