Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn được in trong tập Truyện Tây Bắc - kết quả của chuyến Tô Hoài đi cùng bộ đội vào giải phóng vùng đất này năm 1952. Trong chuyến đi dài hơn tám tháng, ông đã sống gắn bó và nghĩa tình với đồng bào các dân tộc Thái, Mường, H'mông.
Tập truyện gồm ba truyện ngắn Cứu đất cứu mường, Mường Giơn và Vợ chồng A Phủ. Vợ chồng A Phủ được đánh giá là truyện ngắn đặc sắc, có sức lôi cuốn, hấp dẫn thực sự bởi giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.
Năm 1960, truyện được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên. Trích đoạn tác phẩm này được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học THPT.
Thông qua số phận Mị và A Phủ, nhà văn dựng lại quãng đời đau khổ, tối tăm của người dân miền núi, phản ánh quá trình đến với cách mạng của họ. Tác phẩm kể về cuộc đời của đôi vợ chồng trẻ người Mông là Mị và A Phủ. Mị bị bắt về làm con dâu trừ nợ cho nhà thống lý Pá Tra. A Phủ vì dám đánh A Sử, con trai thống lý nên bị phạt vạ làm đầy tớ không công.
Theo PGS Tôn Thảo Miên trong sách Từ điển tác giả, tác phẩm văn học dùng cho nhà trường (Nhà xuất bản Giáo dục, 2009), Truyện Tây Bắc được coi là tập truyện xuất sắc, đánh dấu bước phát triển mới trong phong cách sáng tác của Tô Hoài. Ông đã mô tả chân thực quá trình giác ngộ cách mạng của người dân miền núi theo xu thế phát triển của cách mạng. Những nhân vật như A Phủ, Mị trở thành những điển hình tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại.
Với Truyện Tây Bắc, Tô Hoài mở ra hướng mới cho các sáng tác về đề tài miền núi.
Câu 2: Trong truyện "Vợ chồng A Phủ", Mị được nhà văn miêu tả lùi lũi như con vật gì trong xó nhà để thể hiện cuộc đời cô đơn, tẻ nhạt của cô ở nhà thống lý Pá Tra?