"Từ ngày mai, chúng ta sẽ tới Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để trình bày sự việc đáng buồn này. Hãy tin rằng chúng ta có thể thắng vụ kiện này nhanh chóng", Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena nói khi chào đón các nhà ngoại giao ở Ecuador trở về nước hôm 7/4.
Nhân viên ngoại giao Mexico trước đó cùng ngày rời Ecuador, sau khi hai nước cắt quan hệ vì vụ lực lượng an ninh Ecuador đột kích sứ quán Mexico ở thủ đô Quito để bắt cựu phó tổng thống Ecuador Jorge Glas.
Mexico cho biết quan chức ngoại giao từ "các nước thân thiện và đồng minh" như Đức, Panama, Cuba và Honduras đã cùng ra sân bay Quito tiễn đoàn ngoại giao Mexico rời Ecuador.
Ngoại trưởng Mexico Barcena tuyên bố toàn bộ nhân viên ngoại giao nước này ở Ecuador đều trở về nhà "trong tư thế ngẩng cao đầu".
"Tổng thống Ecuador Daniel Noboa đã phạm sai lầm khi đưa ra quyết định không chỉ vi phạm công ước quốc tế mà còn cho thấy đất nước của ông ấy thiếu hiểu biết về thực tế", đại sứ Mexico tại Ecuador Raquel Serur phát biểu sau khi trở về.
Đại sứ Serur nói thêm Tổng thống Ecuador không hiểu rằng các cá nhân có thể được chấp thuận cho tị nạn dù họ vô tội hay có tội.
Cựu phó tổng thống Ecuador Glas né tránh lệnh bắt của giới chức bằng cách xin tị nạn ở đại sứ quán Mexico tại Quito từ tháng 12 năm ngoái. Yêu cầu tị nạn của ông được Mexico chấp thuận hôm 5/4, bất chấp các yêu cầu hợp tác dẫn độ từ Ecuador.
Giới chức Ecuador sau đó tăng cường lực lượng xung quanh sứ quán Mexico, tiến hành chiến dịch đột kích ban đêm để bắt và áp giải ông Glas ra ngoài. Cựu phó tổng thống Glas đã bị chuyển sang nhà tù tại thành phố Guayaquil.
Tổng thống Ecuador Noboa giải thích rằng đại sứ quán Mexico đã lạm dụng các quyền miễn trừ và đặc quyền của cơ quan ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh việc cấp tị nạn chính trị cho ông Glas là trái pháp luật.
Nhiều quốc gia đã chỉ trích việc cảnh sát Ecuador đột kích vào sứ quán Mexico, cáo buộc giới chức Ecuador đã xâm phạm khu vực được coi là lãnh thổ của Mexico theo Công ước Vienna.
Công ước Vienna quy định khuôn viên các cơ quan ngoại giao là vùng bất khả xâm phạm, nhấn mạnh lực lượng nước sở tại không được phép vào nếu chưa có sự đồng thuận từ người đứng đầu phái bộ ngoại giao.
Ngọc Ánh (Theo AFP/Reuters)