Mỗi ngày đi làm về qua cầu Rạch Chiếc, nhìn bảng báo hiệu ghi "Bến xe Miền Đông mới 11 km", tôi không khỏi ngán ngẩm thay cho hành khách nào đi từ trung tâm ra bến xe này.
Bến xe hiện đại nhất nước, nhưng xa trung tâm đến mức khiến hành khách chùn chân. Hệ quả? Bến xe rơi vào cảnh vắng vẻ, lèo tèo khách.
Để giải quyết tình trạng này, mới đây, một phương án đã được đề xuất: tổ chức ôtô trung chuyển khách đến và rời Bến xe Miền Đông mới, dự kiến hoạt động từ đầu năm 2025. Nghe qua thì có vẻ hợp lý, nhất là khi dịp Tết sắp đến, nhu cầu đi lại tăng cao. Nhưng liệu đây có phải giải pháp tối ưu?
Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sắp vận hành, hứa hẹn trở thành tuyến giao thông xương sống kết nối trung tâm thành phố với khu vực phía Đông. Với trạm cuối nằm gần Bến xe Miền Đông mới, hành khách từ trung tâm hoàn toàn có thể sử dụng metro để đến đây. Vậy tại sao phải thêm ôtô trung chuyển?
Đưa ôtô trung chuyển vào hoạt động có thể khiến giao thông khu vực thêm phức tạp, nhất là khi đường phố TP.HCM vốn đã quá tải. Thêm vào đó, chi phí trung chuyển sẽ đội lên giá vé xe, khiến người dân phải chi nhiều hơn cho một hành trình vốn đã không tiện lợi.
Vấn đề của Bến xe Miền Đông mới không chỉ nằm ở khoảng cách xa trung tâm, mà còn ở sự thay đổi thói quen đi lại của người dân. Trước đây, Bến xe Miền Đông cũ nằm ở vị trí thuận tiện, dễ tiếp cận. Nay, việc di chuyển thêm hàng chục km là rào cản lớn.
Nhiều người có tâm lý ngại thay đổi phương thức di chuyển, đặc biệt khi phải kết hợp nhiều loại hình vận tải để đến đích.
Thay vì đầu tư thêm vào ôtô trung chuyển, tại sao không tập trung khai thác và tối ưu hóa tuyến metro? Cần có các chính sách khuyến khích người dân sử dụng metro như giảm giá vé, cải thiện tiện ích tại các trạm dừng, và xây dựng lộ trình kết nối hợp lý từ metro đến bến xe.
Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức, giúp người dân thấy được lợi ích của việc sử dụng giao thông công cộng. Khi metro trở thành phương tiện chính, Bến xe Miền Đông mới sẽ dần thoát khỏi cảnh vắng khách mà không cần thêm ôtô trung chuyển.
Bến xe Miền Đông mới xa nhưng vấn đề nằm ở cách tổ chức và thay đổi thói quen di chuyển của người dân. Khi metro đã sẵn sàng, đó nên là lời giải cho bài toán kết nối này, thay vì tạo thêm những dòng xe trung chuyển chen chúc trên đường.
Bến xe Miền Đông mớiđược đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác năm 2020 đến nay, bến luôn trong cảnh vắng khách. Một trong những nguyên nhân chính là nơi này nằm xa trung tâm, thiếu xe kết nối. TP HCM đã triển khai nhiều tuyến xe buýt đến bến nhưng lượng khách vẫn chưa như kỳ vọng. |
Anh Quân