Cung ứng hạ tầng tàu điện ngầm thuận tiện là giải pháp thúc đẩy giảm sở hữu ôtô - một trong những tác nhân chính khiến giao thông đường bộ phát thải hàng triệu tấn khí nhà kính ở Singapore. Điều này được các giáo sư, nghiên cứu sinh tại Đại học Singapore (NUS) và Đại học Đồng Tế (Trung Quốc) chứng minh với tuyến lựa chọn nghiên cứu là Circle Line.
Tuyến này hoạt động theo giai đoạn từ 2009-2011, là tuyến metro thứ tư tại Singapore. Circle Line dài gần 36 km qua 30 ga, kết nối các tuyến MRT dẫn đến trung tâm thành phố.
Chia sẻ nghiên cứu "Liệu tàu điện ngầm có giúp giảm ôtô cá nhân" tại một hội nghị khoa học về đô thị, bà Dai Fangzhou, nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại NUS cho biết nhóm sử dụng dữ liệu từ cuộc khảo sát hơn 73.000 cá nhân và 20.000 hộ gia đình trong các năm 2008 và 2012 để chạy thử nghiệm. Hai mốc thời gian trên là thời điểm trước và sau khi tuyến metro Circle Line vận hành toàn phần. Dữ liệu này được hỗ trợ bởi Cơ quan Giao thông đường bộ và Liên minh Nghiên cứu và công nghệ Singapore-MIT (SMART).
Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ người đi tàu điện tăng 10,4%, trong khi số sử dụng ôtô cá nhân giảm 5,3%. Những người sống và làm việc gần các ga tàu có xu hướng giảm nhu cầu sở hữu ôtô hơn nhóm ở gần nhưng làm việc xa.
Lượng ôtô cá nhân tại Singapore cũng giảm dần từ năm 2014, theo số liệu của Cơ quan Giao thông đường bộ quốc gia này.
Bên cạnh việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, quốc đảo sư tử có một loạt hành động nhằm giảm sở hữu ôtô cá nhân. Kế hoạch định hướng Singapore 1971 đã kêu gọi giảm tốc cơ giới hóa. Bên cạnh đó, các loại thuế, phí cao để sở hữu ôtô cùng phí tắc đường là công cụ tài chính tác động tới mong muốn sở hữu loại phương tiện này của người dân.
Việc chuyển từ đi ôtô sang phương thức đi bộ, đạp xe hoặc phương tiện giao thông xanh là động thái quan trọng để giảm khí thải nhà kính trong lĩnh vực vận tải đường bộ, theo Bộ Giao thông vận tải Singapore.
Tính phát thải theo phương tiện trên mỗi km di chuyển, một chiếc xe cỡ nhỏ và trung bình thải khoảng 144g CO2 tương đương (CO2e) mỗi người. Trong khi với tàu điện, lượng khí thải trực tiếp bằng 0, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Lượng phát thải từ giao thông đường bộ của Singapore đạt đỉnh vào năm 2016 ở mức 7,7 triệu tấn CO2e, sau đó giảm dần còn 6 triệu tấn vào năm 2022.
Để giảm thải hơn nữa, Bộ Giao thông vận tải nước này đang thực hiện các bước để xanh hóa các hoạt động giao thông công cộng, với các tuyến metro và nhà ga xây dựng hướng tới mục tiêu bền vững, thân thiện môi trường. Đồng thời, nước này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ người đi tàu điện ngầm giờ cao điểm lên 70% vào 2030.
Singapore nằm trong top 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ phát thải trên mỗi người dân thấp nhất thế giới, theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) năm 2022. Quốc gia này hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050.
Bảo Bảo (theo NUS)