Khó khăn diễn ra trong bối cảnh Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cuối năm nay phải về đích, cần chuẩn bị lực lượng tạo nhân sự quản lý, bảo trì, chuyển giao công nghệ... Hai năm qua, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) - đơn vị vận hành metro không còn kinh phí hoạt động.
HURC1 được UBND TP HCM lập năm 2015 để tổ chức nhân lực quản lý và vận hành Metro số 1, ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2018. Sau khi ra đời, đơn vị này được cấp vốn điều lệ 14 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị văn phòng cơ bản. Kinh phí vận hành công ty sẽ được lấy từ nguồn khi metro hoạt động. Tuy nhiên, tuyến đường sắt đô thị chậm trễ so với dự tính, HURC1 không có doanh thu, trong khi nguồn vốn ban đầu đã sử dụng hết từ tháng 8/2021.
Từ đó đến nay, người lao động công ty không được trả lương, đóng bảo hiểm xã hội. Không còn kinh phí chi trả điện, nước, viễn thông và bảo vệ, HURC1 phải ngưng sử dụng trụ sở được TP HCM bố trí, hiện dùng tạm các phòng họp của chủ đầu tư làm nơi làm việc. Công ty đang nợ bảo hiểm hơn 1,3 tỷ đồng, chưa tính các khoản nợ lương nhân viên.
Để tiếp tục duy trì hoạt động, mới đây HURC1 đề xuất thành phố tiếp tục cho mượn tạm 16 tỷ đồng. Số tiền này được công ty dự trù cho nhu cầu sử dụng đến tháng 9 nhằm trả nợ bảo hiểm, lương của người lao động và tuyển dụng nhân sự tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (chủ đầu tư), bộ máy nhân sự vận hành Metro số 1 cần hơn 700 người. Trong đó, gần 400 nhân sự thuộc các bộ phận lái tàu, nhân viên nhà ga, kỹ thuật viên điều độ... đang được đào tạo theo hợp đồng gói thầu của dự án, nên công ty chưa phải trả lương. Còn lại hơn 300 nhân sự làm tại trụ sở chính và đội ngũ bảo dưỡng, công ty phải tuyển vào để nhận chuyển giao công nghệ từ nhà thầu. Tuy nhiên do hết kinh phí trả lương, những vị trí này chưa thể tuyển dụng.
"Việc bố trí nhân sự tham gia đào tạo, nhận chuyển giao công nghệ từ nhà thầu Nhật Bản là một trong điều kiện bắt buộc để hoàn thành dự án", đại diện chủ đầu tư nói. Vướng mắc thủ tục cấp vốn cho đơn vị vận hành ngoài ảnh hưởng quá trình chuẩn bị điều kiện khai thác tuyến, chủ đầu tư còn có thể bị nhà thầu khiếu kiện khi không cung cấp được lực lượng đào tạo, nhận chuyển giao công nghệ theo hợp đồng.
Trước đó, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng được bổ sung vốn cho HURC1 268 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách. Tuy nhiên, việc này gặp khó do bổ sung vốn chỉ áp dụng với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động hiệu quả. Trong khi HURC1 chưa có doanh thu, chỉ phát sinh chi phí nên chưa thể đánh giá theo quy trình. Sau nhiều lần thành phố kiến nghị, đến nay phương án bố trí vốn cho công ty chưa được các bộ ngành thống nhất.
Để sớm tháo gỡ vướng mắc, Văn phòng Chính phủ hôm 1/6 thông báo Phó thủ tướng Lê Minh Khái sẽ chủ trì họp với các bộ ngành liên quan tìm hướng xử lý. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương thống nhất với các bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư về phương án cụ thể cũng như hoàn thiện báo cáo để phục vụ buổi làm việc.
TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, nói metro là loại hình vận tải mới trong nước. Công tác vận hành có nhiều nghiệp vụ chưa phổ biến do đến nay chỉ duy nhất một tuyến đã khai thác tại Hà Nội. Ngoài một số công việc tương đối đơn giản như bán vé, hướng dẫn khách, metro có nhiều công việc phức tạp, đòi hỏi nghiệp vụ cao. Mỗi vị trí cần thời gian đào tạo khác nhau mới có thể làm việc.
"Thời gian hoàn thành tuyến tàu điện đầu tiên ở TP HCM đã cận kề, trong đó yêu cầu bắt buộc là phải tiếp nhận công nghệ từ nhà thầu. Do vậy việc giải quyết thủ tục cấp vốn cho đơn vị vận hành rất cấp thiết", ông nói và nhận định nếu tuyến metro tiếp tục chậm, ngoài lãng phí cơ hội phát triển của thành phố còn ảnh hưởng yêu cầu giành lại thị phần giữa giao thông công cộng với xe cá nhân.
TS Chu Công Minh, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP HCM, cũng cho rằng Metro số 1 đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, sau 11 năm xây dựng đến nay sắp hoàn thành lại gặp vướng trong bố trí vốn cho đơn vị chuẩn bị nhân sự vận hành là bất cập lớn.
Theo ông, HURC1 trước đây có nhiều nhân sự trình độ cao vào làm việc, nhưng suốt thời gian dài không được trả lương nên không ít người rời đi. Đây là sự lãng phí rất lớn, nếu tiếp tục kéo dài dễ gây rủi ro tuyến metro xây dựng xong nhưng chưa thể khai thác, chưa kể còn ảnh hưởng uy tín nhà tài trợ, nhà thầu.
"Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP HCM, thực hiện trong bối cảnh nhiều chính sách, quy định thay đổi, phải nhiều lần điều chỉnh. Đây là bài học cho các dự án metro khác sau này", ông góp ý.
Metro Bến Thành - Suối Tiên tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km từ depot Long Bình (TP Thủ Đức) đến ga Bến Thành (quận 1). Dự án khởi công năm 2012, kế hoạch ban đầu hoàn thành sau 6 năm, song nhiều lần lùi tiến độ. Công trình dự kiến thi công hoàn thành cuối năm nay và vận hành thương mại từ năm sau.
Gia Minh