Sau một thời gian đi làm bằng metro, tôi nhận ra ba nhà ga nhộn nhịp nhất: Đại học Quốc gia, Khu Công nghệ cao và Thủ Đức. Giờ cao điểm sáng chiều, lượng khách lên xuống ở những nhà ga đây đông nhất, kế đến là Thảo Điền, An Phú, Ba Son.
Điều này không có gì ngạc nhiên, vì khu vực này tập trung đông sinh viên, người lao động và dân văn phòng.
Theo số liệu thống kê, trong gần ba tháng khai thác, metro đã phục vụ hơn 5 triệu lượt khách, vượt kế hoạch ban đầu. Đặc biệt, dịp Tết vừa qua, metro thu về gần 12 tỷ đồng, dĩ nhiên đó đã bao phần khách vãng lai đi du xuân, trải nghiệm cho biết, nhưng không thể không thừa nhận rằng đó một con số ấn tượng đối với một hệ thống giao thông công cộng mới đi vào hoạt động.
Trước đây cũng từng có phân tích cho rằng metro sẽ đắt khách, vì hai nhóm khách tiềm năng chính là sinh viên và người đi làm xa, từ Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương) và khu vực Thủ Đức vào trung tâm TP HCM
Nhưng đó là số liệu và nhận định, còn thực tế ra sao? Thứ sáu tuần rồi, 7/3, tôi quyết định thử lại một ngày đi làm bằng xe máy. Buổi chiều tan tầm, tôi chạy dọc tuyến đường song hành, quan sát các bãi giữ xe của metro.

Bãi giữ xe máy ở ga Metro Thủ Đức chiều 7/3. Ảnh: Minh Cường
Chỉ cần nhìn vào lượng xe máy gửi lại, tôi có thể thấy rõ metro đang làm tốt vai trò của mình. Rất nhiều người chọn cách gửi xe ở ga ngoại thành rồi đi tàu vào trung tâm, thay vì lao vào dòng kẹt xe mệt mỏi mỗi ngày.
Ở ga Đại học Quốc Gia, bãi giữ xe dưới nhà ga và dưới đường tàu trên cao luôn đông đúc. Ga Khu công nghệ cao cũng tương tự.
Một người bạn của tôi ở Biên Hòa, làm việc tại trung tâm TP HCM, từng khổ sở vì quãng đường hơn 30 km - đủ dài để khiến việc đi lại mỗi ngày trở thành cực hình, nhưng lại có vẻ ngắn để phải chuyển hẳn vào thành phố thuê trọ.
Trước đây, anh ấy mất gần hai giờ mỗi ngày cho việc di chuyển, nhưng bây giờ chỉ cần qua cầu Đồng Nai, chạy thêm một chút là đến ga Đại học Quốc gia, gửi xe và thoải mái lên tàu, tiết kiệm thời gian và sức lực.
Tuy nhiên, vẫn còn những mong mỏi. Ở ga Bến Thành, nếu có dịch vụ cho thuê xe đạp điện hoặc phương tiện kết nối thông minh, thì việc di chuyển đến các tòa nhà văn phòng xung quanh sẽ thuận tiện hơn.

Lộ trình Metro số 1 qua 14 ga, đầu tiên là ga Bến Thành và cuối cùng là bến xe Miền Đông mới. Đồ họa: Khánh Hoàng
Tuyến metro Bến Thành - Tham Lương và các tuyến còn lại, cần được đẩy nhanh tiến độ để phục vụ người dân quận 12, Gò Vấp và các khu vực lân cận, giúp họ cũng được hưởng lợi từ metro.
Nhìn chung, metro đang dần thay đổi thói quen đi lại của nhiều người ở mạn Đông thành phố. Khi càng nhiều người gửi xe ở ga ngoài trung tâm để đi tàu vào nội đô, số lượng xe máy trên đường sẽ giảm, áp lực giao thông sẽ nhẹ bớt.
Có thể nói, mỗi bãi giữ xe ở ga metro chính là một "màng lọc", giúp người đi xe máy bớt vất vả, còn thành phố từng bước thoát khỏi cảnh ùn tắc và khói bụi do xe cá nhân gây ra.
Chúng ta đã chờ metro rất lâu, và giờ là lúc để tận dụng nó thật tốt, cũng như lấy đó làm động lực để tiến lên với nhiều tuyến metro khác, kết nối thành một hệ thống giao thông hiện đại, văn minh.
Minh Cường