10h tàu bắt đầu từ ga Suối Tiên, sau đó đi qua 3 ga Đại học Quốc gia, Công nghệ cao, Thủ Đức, trước khi kết thúc tại ga Bình Thái, TP Thủ Đức. Đoạn trên cao thiết kế cho tàu chạy tốc độ tối đa 110 km/h, nhưng quá trình thử nghiệm chỉ dưới 40 km/h. Trên hành trình, tàu dừng ở ga Công nghệ cao khoảng 5 phút cho khách tham gia thử nghiệm tham quan.
Bà Trần Thị Tuyết, 53 tuổi, ở TP Thủ Đức, đứng phía dưới ga Khu Công nghệ cao chờ xem metro chạy thử từ sớm. Chứng kiến cảnh kẹt xe thường xuyên ở xa lộ Hà Nội dọc tuyến metro, bà mong dự án sớm hoàn thành vì đã chờ đợi hơn 10 năm. "Tàu được chạy thử cho thấy dự án đã đến công đoạn cuối, mong sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm sau", bà Tuyết nói và mong muốn được trải nghiệm đi metro.
Tại buổi thử nghiệm, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nói Metro Bến Thành - Suối Tiên có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông ở thành phố. Ngoài thêm phương thức vận chuyển mới với khối lượng lớn, dự án còn là tiền đề để thực hiện các tuyến metro khác trên địa bàn. Ông đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu tập trung triển khai các phần việc còn lại để đảm bảo hoàn thành công trình này vào cuối năm 2023 như cam kết.
Trước khi cho chạy thử sáng nay, từ hôm 16/12 nhà thầu Hitachi (Nhật bản) đã kéo đoàn tàu đến ga Bình Thái kiểm tra các hệ thống liên quan như đường ray, trạm cấp điện, hệ thống tiếp điện trên cao (OCS)... để đảm bảo công tác vận hành. Hệ thống đầu máy, toa xe cũng được đơn vị trên kiểm tra nghiêm ngặt.
"Việc cho tàu chạy thử từ ga Suối Tiên đến Bình Thái đánh dấu dự án Metro số 1 chuyển từ giai đoạn hoàn thiện thi công sang bước thử nghiệm metro cùng hệ thống cơ điện trên tuyến chính, chuẩn bị vận hành thương mại", Ông Kazuhiko Nagasawa, Giám dốc dự án của nhà thầu Hitachi, nói.
Trước đó từ cuối tháng 8, toàn bộ 17 tàu thuộc dự án được thử nghiệm trong depot Long Bình, TP Thủ Đức, kết hợp kiểm tra các hệ thống hỗ trợ như: hãm, sức kéo, cấp điện... Nhà thầu đã chuyển tàu lên đoạn trên cao gần depot kiểm tra kỹ thuật trước khi cho chạy thử trên tuyến chính.
Các đoàn tàu của Metro Số 1 sản xuất tại Nhật Bản, thiết kế tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Tàu có buồng lái ở hai đầu, vỏ làm bằng hợp kim nhôm, màu chủ đạo xanh dương, nội thất thiết kế thuận tiện cho khách và dễ vệ sinh, bảo dưỡng... Tàu ba toa sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Trước khi 17 tàu được đưa về TP HCM hồi tháng 5, nhà thầu Hitachi đã cho chạy thử ở Nhật Bản để kiểm tra kỹ thuật.
Metro Số 1 sử dụng hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu dựa trên thông tin (CBTC), đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... Hệ thống này dựa vào truyền thông không dây, truyền tin hai chiều theo thời gian thực về vị trí, tốc độ đoàn tàu, khoảng cách giữa các tàu để điều khiển trong quá trình vận hành.
Theo MAUR, sau khi hoàn tất thử nghiệm ở khu vực trên, năm 2023 sẽ cùng đơn vị tư vấn và các nhà thầu đẩy nhanh công tác lắp đặt các thiết bị, hoàn thiện kiến trúc nhà ga cùng các cầu bộ hành trên toàn tuyến. Các bước thử nghiệm tàu cùng toàn bộ hệ thống liên quan như vận hành tự động, bảo vệ, giám sát đoàn tàu kết hợp hệ thống thiết bị tại các nhà ga, cũng được triển khai năm sau.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cho biết sẽ phối hợp Công ty TNHH đường sắt đô thị số 1 (đơn vị vận hành tuyến metro) và các bên liên quan đào tạo, sớm chuyển giao công nghệ trong vận hành các đoàn tàu.
Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP HCM, khởi công cách đây 10 năm, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, từ vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Tuyến dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), với ba ga ngầm, 11 ga trên cao. Toàn dự án hiện đạt hơn 93% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm tới.
Gia Minh