"Một cánh cửa bỗng chốc rộng mở tại nơi từng chỉ tồn tại bức tường. Với tôi cũng vậy, đã đến lúc bước qua cánh cửa đó. Đây là thời điểm tôi bỏ công việc khoa học lại phía sau và dấn thân vào chính trị, một khoảng thời gian thú vị và kỳ diệu", Angela Merkel phát biểu tại Đại học Harvard của Mỹ hồi năm 2019.
Sự sụp đổ của Bức tường Berlin, biểu tượng lâu dài nhất trong Chiến tranh Lạnh, dường như đã định hình tư tưởng chính trị của Merkel theo nhiều cách, khi bà cố gắng đưa nước Đức và cả châu Âu trở thành cầu nối giữa phương Đông và phương Tây. "Bức tường Berlin đã hạn chế những cơ hội của tôi, thực sự cản bước tôi", cựu thủ tướng Đức nói.
Sinh năm 1954 tại Hamburg ở phía tây bắc, Angela Merkel trưởng thành trong thị trấn Templin thuộc Đông Đức, phía bắc Berlin, nơi bố của bà làm mục sư đạo Tin lành. Thời đi học, Merkel đặc biệt giỏi toán và tiếng Nga, đến mức sau này bà có thể trò chuyện cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng ngôn ngữ của ông.
Ở tuổi 23, khi đang theo học ngành vật lý tại thành phố Leipzig, bà kết hôn với nhà vật lý Ulrich Merkel. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 4 năm. Họ quyết định ly hôn vào năm 1981. Angela Merkel đi bước nữa với nhà hóa học lượng tử Joachim Sauer vào năm 1998. Cựu thủ tướng Đức không có con.
Merkel nhận bằng tiến sĩ hóa học lượng tử vào năm 1986. Khi đó, bà đã làm việc một thời gian tại Học viện Khoa học Đông Đức ở Berlin. Tuy nhiên, sau khi nước Đức thống nhất, bà nhận ra rằng bản thân không thể cạnh tranh với các nhà khoa học từ Tây Đức cũ, dù sở hữu năng lực ấn tượng.
"Merkel có lý lịch học thuật rất xuất sắc, nhưng các tiêu chuẩn đơn giản là không phù hợp với phía Tây, nên bà ấy không thể cạnh tranh trong lĩnh vực nghiên cứu và học thuật. Vì vậy, Merkel quyết định mạo hiểm bằng cách tìm kiếm một đảng chính trị phù hợp", Stefan Kornelius, biên tập viên chính trị của tờ Suddeutsche Zeitung, đồng thời là người viết tiểu sử cho Merkel, cho hay.
"Merkel đã đi từ đảng này sang đảng khác để tìm nơi mình thuộc về. Nhưng trên thực tế, bà lúc nào cũng giữ khoảng cách nội tâm nhất định với các đảng chính trị, ngay cả với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU). Bà ấy chưa từng thực sự là một phần trái tim của đảng, mà luôn giống khối óc hơn", Kornelius nói thêm.
Merkel ban đầu gia nhập đảng đối lập Thức tỉnh Dân chủ non trẻ, nhưng nhanh chóng chuyển sang CDU. Trong cuộc tổng tuyển cử toàn nước Đức đầu tiên vào năm 1990, Merkel đã mang về một ghế tại quốc hội cho CDU, sau đó thăng tiến nhanh chóng trong đảng trung hữu này. Bà trở thành Bộ trưởng Phụ nữ và Trẻ em vào năm 1991.
Ba năm sau, Merkel được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Môi trường, chức vụ mà bà nắm giữ khi hội nghị khí hậu đầu tiên của Liên Hợp Quốc được tổ chức vào năm 1995, đánh dấu sự khởi đầu của những sáng kiến quốc tế nhằm giảm thiểu phát thải CO2.
"Lượng phát thải khí nhà kính cần phải giảm xuống càng nhanh càng tốt", Merkel cho biết tại thời điểm đó, bình luận giờ đây được đánh giá là đi trước thời đại. Trong suốt sự nghiệp chính trị sau này, bà vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu đó và thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) đạt đồng thuận trong mục tiêu cắt giảm khí thải CO2.
Năm 2000, Merkel được bầu làm lãnh đạo đảng CDU và trở thành thủ tướng Đức vào năm 2005. Suốt 16 năm qua, bà đã đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng, trong đó khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro nổ ra từ cuối năm 2009 là thử thách đầu tiên.
Dù Đức gần như không bị ảnh hưởng nhờ nền kinh tế mạnh về xuất khẩu được hưởng lợi từ đồng euro suy yếu, Merkel vẫn quyết tâm dẫn dắt nỗ lực cứu đồng tiền chung của châu Âu. "Nếu đồng euro thất bại, châu Âu cũng thất bại", bà cho hay.
Để xử lý khủng hoảng, Merkel trở thành đại diện cho chính sách "thắt lưng buộc bụng", cố gắng cắt giảm chi tiêu công tại khu vực. Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt này lại khiến một số quốc gia thành viên EU, đặc biệt là Hy Lạp, trở nên phẫn nộ.
Người dân các nước như Hy Lạp căm ghét Merkel và tổ chức các cuộc biểu tình phản đối mỗi khi bà tới thăm suốt nhiều năm sau, trong khi truyền thông Hy Lạp thậm chí còn so sánh bà với Hitler.
"Angela Merkel bị đổ lỗi rất nhiều vì nguy cơ Hy Lạp bị trục xuất khỏi EU và khu vực đồng euro. Cuối cùng, sau khi quốc hội Đức bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ thứ ba, Hy Lạp đã rút ra bài học về quản lý cẩn thận nền kinh tế, đầu tư đúng mức, tạo việc làm và nhiều điều khác", cựu thủ tướng Ireland Enda Kenny, người quen biết Merkel trước khi cả hai đảm nhiệm chức thủ tướng, kể lại.
"Tôi vẫn nhớ cuộc họp của Hội đồng châu Âu, nơi bà ấy phát biểu thực sự đanh thép rằng chúng tôi không muốn rạn nứt và chia tách. Vì vậy, gói cứu trợ thứ ba dành cho Hy Lạp, thay vì quyết định trục xuất tạm thời, đã được đưa ra", Kenny cho hay.
Cuối cùng, Merkel đã giúp châu Âu và khu vực đồng euro thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Merkel gần đây cho biết đối với bà, đó là một trong những thành tựu lớn nhất trên cương vị thủ tướng.
Theo một số nhà quan sát, có lẽ thời điểm quan trọng nhất định hình sự nghiệp chính trị của Merkel là năm 2015, khi làn sóng người di cư, đặc biệt là từ Syria do nội chiến leo thang, cũng như từ Afghanistan và Iraq, tràn đến châu Âu.
Trong bối cảnh đó, Merkel quyết định tiếp tục mở cửa biên giới đón người di cư. "Chúng ta có thể làm được", bà tuyên bố khi khẩn cầu sự chấp thuận của người dân Đức, giữa lúc gần một triệu người từ Trung Đông nộp đơn xin tị nạn.
Hành động này giúp Merkel được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm và giành cảm tình của nhiều người xin tị nạn, nhưng không phải cử tri Đức nào cũng hài lòng. Đây được cho là nguyên nhân khiến đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trỗi dậy, trở thành đảng lớn thứ ba trong quốc hội vào năm 2017. Tuy nhiên, đảng này gần đây đã mất dần sự ủng hộ.
Quá trình Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, tiếp tục đặt ra thử thách khó khăn cho Merkel. Kenny kể lại rằng ông từng vẽ một bản đồ để giúp Merkel thấy được mức độ phức tạp của biên giới Ireland, vấn đề gây bế tắc hàng đầu trong quá trình đàm phán Brexit.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết bà Merkel "luôn rất nhạy bén và thấu hiểu quan điểm của Ireland". Ông đánh giá chuyến thăm Ireland của Merkel hồi tháng 4/2019 "đặc biệt hữu ích", khi bà gặp gỡ nhiều người thuộc các cộng đồng sinh sống tại vùng biên giới.
Vào "buổi hoàng hôn nhiệm kỳ" của Merkel, toàn nhân loại đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử, khi đại dịch Covid-19 càn quét khắp thế giới. Dường như thấu hiểu tầm quan trọng của thái độ rõ ràng và thẳng thắn, Merkel trở nên nổi bật với cách tiếp cận dựa vào khoa học trong chiến lược ứng phó dịch bệnh.
Đại dịch đã phơi bày một số khuyết điểm của Đức, như hệ thống thiếu linh hoạt dẫn đến cản trở chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, phần lớn người Đức ủng hộ sự lãnh đạo của Merkel trong thời kỳ đại dịch.
Trong 16 năm cầm quyền, Merkel cũng chứng kiến sự thay đổi trật tự thế giới. Mỹ từng gây sức ép để Đức cứng rắn hơn với Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, chứng kiến những gì xảy ra thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Merkel nhấn mạnh rằng phải ngăn lịch sử lặp lại.
Bất chấp đôi lúc lạc lõng với các nước châu Âu, Merkel đã cố gắng tách những vấn đề chính trị liên quan đến Trung Quốc và Nga khỏi hoạt động thương mại và kinh tế. Cũng có những khi quan hệ giữa lãnh đạo Đức và Nga căng thẳng, nhưng bà cho rằng điều quan trọng là duy trì đối thoại.
Quốc hội Đức hôm nay bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Olaf Scholz làm Thủ tướng, chấm dứt "kỷ nguyên Merkel" của nước Đức.
Stefan Kornelius cho biết sau khi Merkel mãn nhiệm, sẽ luôn có những cuộc tranh luận về di sản của bà, như cách xử lý khủng hoảng khu vực đồng euro hay làn sóng tị nạn, nhưng ông tin rằng mọi người sẽ nhớ đến nhiều khía cạnh khác trong 16 năm nhiệm kỳ của người phụ nữ quyền lực này.
"Chúng ta đã chứng kiến Đức vươn lên về mức độ ảnh hưởng, quyền lực và tầm quan trọng như thế nào trong 16 năm qua. Merkel đã xây dựng niềm tin, khiến các nước láng giềng về cơ bản cho rằng bà ấy là người công bằng trong thương mại, không làm tổn hại người khác và không phiến diện. Niềm tin đó đã dẫn đến sự trỗi dậy và quyền lực của nước Đức", Kornelius nói.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, AFP, Washington Post)