Khi bạn nghi ngờ một người nói dối, bước đầu tiên cần làm là trò chuyện, sẽ tốt hơn nhiều so với thái độ lạnh lùng và chỉ trích.
Ngoài ra, việc trò chuyện có thể giúp bạn đánh giá chính xác về phản ứng hoặc điệu bộ của đối phương lúc nói thật. Giai đoạn này, bạn có thể hỏi một số câu hỏi đơn giản như về tên tuổi, địa chỉ, công việc hoặc chuyến du lịch gần đây...
Khi đã có căn cứ để so sánh, bạn mới đặt câu hỏi nhằm xác minh sự thật để xem cách cư xử của đối phương có khác thường không.
Gây bất ngờ
Người nói dối thường sẽ cố đoán trước câu hỏi để đưa ra câu trả lời sao cho nhanh chóng và tự nhiên. Họ thậm chí có thể đã tập luyện trả lời trước một số tình huống. Vì vậy, bạn cần đặt ra câu hỏi ngoài dự tính để khiến đối phương lúng túng.
Ví dụ, bạn có thể bắt đầu bằng câu: "Vào ngày này hai năm trước, anh đã ăn món gì?". Đối phương thường sẽ phải do dự một lúc để nhớ lại câu trả lời vì sự việc xảy ra đã lâu. Ngay sau đó, bạn hỏi: "Anh có cướp ngân hàng ngày này hai năm trước không?". Người bình thường sẽ lập tức phủ nhận, sự do dự trong trường hợp này thể hiện dấu hiệu gian dối.
Tập trung lắng nghe
Bạn nên để cho đối phương kể hết câu chuyện mà không đặt câu hỏi ngắt quãng. Ngoài ra, người nói dối cũng thường có xu hướng nói nhiều hơn người nói thật để cố thể hiện sự đường hoàng và chiếm được lòng tin. Họ còn thường dùng câu cú phức tạp để che.
Trước câu hỏi có thể buộc tội, người nói dối thường cố đánh lạc hướng bằng câu nói không mang tính trả lời. Ví dụ, khi bị hỏi: "Anh có ngoại tình với con bé đó không?", người này sẽ đáp: "Anh còn chả quen nó". Hoặc khi bị hỏi: "Anh có đọc trộm tin nhắn của tôi không?", người nói dối sẽ đáp: "Đừng xúc phạm tôi, tôi có giống loại người làm thế không?".
LaRae Quy cho rằng nên để cho đối phương kể hết câu chuyện mà không bị ngắt quãng. Ảnh: AP. |
Trong khi nói dối, con người thường bị sức ép tâm lý nên giọng nói nhanh hơn, to hơn, và thường hắng giọng trước khi lên tiếng. Tuy một người thể hiện như trên chưa chắc đã nói dối, bạn vẫn cần cẩn thận trước dấu hiệu này.
Ngoài ra, khi bị hỏi, người nói dối còn thường nhắc lại câu hỏi, ví dụ: "Như đã nói với anh A, tôi không liên quan tới chuyện này" hoặc "Như đã viết trong biên bản, tôi không liên quan...". Cách nói như trên cho phép người gian dối có thể đưa ra câu trả lời thành thật mà không phải trực tiếp phủ nhận vì trên lý thuyết, đúng là người này đã nói như vậy.
Chú ý cách trả lời: "Không"
"Không" là từ khóa cần lắng nghe khi bạn nghi ngờ người đối diện đang cố ý lừa dối mình. Một người thường thể hiện sự gian dối khi họ nói "không" và nhìn về hướng khác, nhắm mắt, hoặc do dự. Ngoài ra, người gian dối còn có thể kéo dài từ "không" hoặc nói "không" với giọng lên xuống như thể đang hát.
Để ý thay đổi trong điệu bộ
Sự thay đổi âm thầm trong điệu bộ có thể là dấu hiệu khá rõ cho thấy sự gian dối. Ví dụ, đối phương bất ngờ đãng trí vào thời điểm mấu chốt dù trước đó rất sáng suốt, trả lời câu hỏi cụt lủn hoặc không chịu cung cấp chi tiết, bắt đầu sử dụng ngôn từ nghiêm túc (đây là dấu hiệu cho thấy đang căng thẳng).
Yêu cầu kể ngược lại câu chuyện
Người nói thật thường thêm thắt chi tiết và nhớ thêm dữ kiện khi kể lại sự việc. Tuy nhiên, người nói dối thường học thuộc lòng và cố giữ nguyên câu chuyện. Kể cả khi người nói dối thêm thắt, những tình tiết mới cũng không hợp lý.
Nếu nghi ngờ người khác nói dối, bạn hãy yêu cầu họ thuật lại sự việc theo trình tự ngược lại. Ví dụ, thay vì yêu cầu kể từ đầu tới cuối, bạn có thể bắt đầu ở phần cuối rồi lần lượt bắt đối phương giải thích những sự việc xảy ra liền trước. Với người nói thật, làm như vậy sẽ khiến việc thuật lại câu chuyện dễ dàng hơn, trong khi người nói dối thường đơn giản hóa câu chuyện để tránh tự mâu thuẫn.
Cẩn thận trước lời khen
Nếu đối phương đồng ý với mọi ý kiến, liên tục tán thưởng, và bật cười trước mọi câu đùa của bạn, đây là dấu hiệu cho thấy người này thiếu thành thật và không chân thành.
Hỏi tới cùng
Bạn cần nhớ rằng con người thường không thích trả lời một số câu hỏi nhất định vì cảm thấy xấu hổ, hoặc họ rất phụ thuộc vào kết quả của cuộc trao đổi, ví dụ như ứng viên phỏng vấn xin việc có thể muốn giấu giếm chuyện bị công ty trước sa thải.
Nếu chưa hiểu rõ câu trả lời, bạn hãy tiếp tục hỏi tiếp để khám phá. Trong trường hợp ứng viên phỏng vấn xin việc, bạn có thể đẩy câu chuyện đi tiếp bằng cách nói "trước đây tôi (hoặc người thân bạn bè) cũng từng bị đuổi việc vì phạm sai lầm rất ngu ngốc. Anh, chị đã bao giờ trải qua chuyện tương tự chưa? Anh, chị nghĩ nên xử lý khi phạm sai lầm trong công việc như thế nào?".
Quốc Đạt (Theo PoliceOne, Justia, Inc.)