Vì ghen tình, nữ cảnh sát Stephanie Lazarus giết vợ mới cưới của bạn trai cũ vào năm 1986 nhưng không bị phát hiện ra trong hơn 20 năm. Tới năm 2009, cảnh sát thành phố Los Angeles, bang California mới lật lại hồ sơ vụ án và truy ra nghi phạm thông qua ADN mà Stephanie để lại khi cắn bị thương nạn nhân. Tuy nhiên, cảnh sát không thể tùy tiện bắt giữ và thẩm vấn Stephanie vì bà ta cũng là thanh tra cảnh sát giỏi.
Ngày 5/6/2009, điều tra viên mời Stephanie vào phòng thẩm vấn với lý do nhờ giúp xét hỏi nghi phạm trong một vụ trộm tranh, vốn là chuyên môn của Stephanie. Ngay khi bước vào phòng, điều tra viên giả vờ thân thiện rồi tiết lộ rõ lý do thật.
Khi mới bắt đầu, điều tra viên vờ đọc sai tên của người bạn trai cũ là John Reutten trong khi thực tế đã biết rõ cách phát âm để buộc nghi phạm phải tự chỉnh lại. Theo chuyên gia tâm thần học, khoảng lặng từ lúc nghe câu hỏi tới lúc trả lời của Stephanie lâu gấp bốn lần so với thông thường, qua đó thể hiện nghi phạm giả vờ như đã rất lâu rồi không nghĩ tới cái tên đó. Tuy nhiên, John Reutten là người đàn ông có mối quan hệ tình cảm kéo dài thứ hai trong cuộc đời Stephanie sau chồng, nên dù điều tra viên nói sai, nghi phạm chỉ cần tích tắc là đủ để nhớ lại cái tên ấy.
Tiếp theo, khi điều tra viên hỏi Stephanie quen John Reutten trong bao lâu, nữ nghi phạm kể hai người gặp nhau ở ký túc nhưng hoàn toàn không đả động tới việc hai người hẹn hò trong bốn năm, từng dành nhiều kỳ nghỉ bên nhau. Nếu là người thành thật, Stephanie sẽ chủ động tiết lộ thông tin này dù không được hỏi trực tiếp.
Sau một số câu hỏi ban đầu của điều tra viên về mình và bạn trai cũ, Stephanie chắc chắn đã cảm thấy có điều bất thường và hỏi ngược lại điều tra viên đang có ý định gì. Stephanie là cảnh sát với thâm niên 25 năm nên biết rõ cần phản ứng như vậy vì chỉ kẻ có tội mới thường giả vờ ngây thơ khi bị hỏi những câu xoáy sâu nhằm tránh xảy ra xung đột. Người vô tội thường sẽ không tránh né tình huống xung đột do cảnh sát tạo ra và sẽ phủ nhận hoàn toàn, hoặc yêu cầu cảnh sát nói rõ ẩn ý của câu hỏi.
Bị nghi phạm hỏi ngược, điều tra viên lảng tránh câu hỏi của Stephanie và xoa dịu rằng mình hoàn toàn thiện ý và chỉ muốn nghĩ cho Stephanie. Sau câu trả lời của cảnh sát, Stephanie có vẻ bất đắc dĩ chấp nhận hoàn cảnh và lại vờ không nhớ vì chuyện xảy ra từ lâu.
Ở những câu hỏi sau, câu trả lời của Stephanie thường lan man kéo dài, bao gồm những thứ không liên quan và quá nhỏ nhặt. Theo cảnh sát, điều này thường xảy ra trong phòng thẩm vấn và là dấu hiệu cho thấy đối tượng cố tình lan man để lảng tránh tạm thời trước chủ đề về hành vi phạm tội của mình.
Được một lúc, Stephanie một lần nữa tiếp tục thách thức điều tra viên nhưng lần này điều tra viên tránh trả lời câu hỏi nhưng không đi kèm sự xoa dịu như trước. Thay vào đó, điều tra viên đặt câu hỏi khác cho Stephanie. Đây là cách điều tra viên tăng dần áp lực điều tra một cách kín đáo nhưng rất hiệu quả.
Ở đây, Stephanie bị hỏi nhiều câu liên tiếp về nạn nhân. Theo cảnh sát, biểu cảm của Stephanie thay đổi hoàn toàn ở câu hỏi thứ ba vì nghi phạm giả vờ như đang suy nghĩ trong hai câu hỏi đầu ("việc làm" và "nơi làm việc") trong khi thực tế biết rõ câu trả lời. Tới câu hỏi thứ ba ("có biết bất cứ thông tin gì khác"), Stephanie mới thực sự suy nghĩ và cố lục lại ký ức để có câu trả lời thích hợp.
Xuyên suốt cuộc trao đổi, Stephanie nói về nhiều thứ không liên quan tới câu hỏi, đi quá sâu vào những chi tiết vụn vặt, biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể thường bị làm quá và rất khoa trương. Mỗi khi Stephanie tỏ ra đề phòng, điều tra viên đều nhấn mạnh có thể rời khỏi phòng thẩm vấn bất cứ lúc nào cô ta muốn.
Cuối cùng, khi bị điều tra viên gợi ý cung cấp mẫu ADN, Stephanie mới cảm thấy bị đe dọa thật sự và yêu cầu gặp luật sư. Dù vậy, điều tra viên vẫn thành công ghi hình lại biểu hiện gian dối của Stephanie, ví dụ như lúc cô ta phủ nhận từng xô xát với nạn nhân ở bệnh viện trong khi nhiều nhân chứng nói có sự việc này xảy ra.
Stephanie cố ra khỏi phòng thẩm vấn nhưng chưa được nửa đường thì bị đọc lệnh bắt giữ. Với băng ghi hình và bằng chứng ADN, Stephanie bị kết tội Giết người cấp độ I vào tháng 3/2012, lãnh án 27 năm tù.
Quốc Đạt (Theo JCS – Criminal Psychology)