Nếu đột ngột bị kẻ xấu ngồi trong xe tấn công, tài xế làm theo những gợi ý sau để có cơ hội thoát thân, giảm nhẹ tổn thất.
Giơ tay bảo vệ đầu: Tài xế đưa tay che phần gáy và sau đầu, cẳng tay bao bọc phần tai. Tay còn lại mở khóa dây an toàn. Tài xế nên khom vai, cúi cằm sát ngực để ngăn kẻ tấn công luồn tay qua để cứa hoặc siết cổ.
Khi tranh thủ được cơ hội, tài xế cần thoát khỏi xe ngay lập tức, cố gắng cầm theo chìa khóa. Nếu không thành công, nạn nhân quay lại tấn công vào điểm yếu của đối phương, có thể là chọc ngón tay vào mắt hoặc đánh vào họng.
Phá thế khóa cổ: Nếu bị siết cổ, tài xế cần nắm lấy tay đối phương rồi cố kéo xa khỏi cổ mình, tay còn lại kéo nẫy điều chỉnh cho ghế ngồi bật ngửa ra đằng sau để đè lên kẻ xấu. Nhân lúc đối phương lỏng tay, tài xế xoay người thoát khỏi thế khóa cổ rồi phản công hoặc bỏ chạy.
Nếu bị túm tóc để khống chế, tài xế cần nắm lấy ngón tay của đối phương rồi bẻ ngược lại. Trong trường hợp cần thiết, nạn nhân có thể cắn kẻ xấu cho tới khi thoát thân nhưng đây chỉ là biện pháp cuối cùng bởi máu cũng có thể lây truyền bệnh tật.
Linh hoạt ứng biến: Tài xế dùng bút bi, bút chì, chìa khóa, hoặc đèn pin để tấn công vào chỗ yếu hại của đối phương nhằm có cơ hội chạy trốn. Tài xế có thể đập đầu và tay của kẻ xấu vào cánh cửa hoặc phần kính xe để gây đau đớn và làm cho mất phương hướng.
Cách phòng vệ tốt nhất vẫn là cảnh giác ngay từ đầu để không rơi vào trường hợp đáng tiếc. Tài xế có thể lắp đặt màn chắn bảo vệ để ngăn cách khoang lái; không nên đeo trang sức hoặc để lộ mình có tiền, cảnh giác với địa chỉ "mơ hồ", đồng thời chú ý cử chỉ hành động của khách khi ở trong xe.
Nếu chỉ có một khách, người lái nhắc không ngồi ngay sau ghế tài xế vì đây là điểm mù nguy hiểm. Thi thoảng, tài xế cần giao tiếp bằng mắt với khách qua gương chiếu hậu để thể hiện mình đang cảnh giác.
Quốc Đạt (Theo PJ Media, fightTIPS)