Mỗi lần nghĩ về mẹ là con lại liên tưởng đến cây tre làng mình vươn lên trong gió, dẫu khẳng khiu nhỏ bé, nhưng vẫn dẻo dai, bền bỉ trước bão dông. Gần trọn một đời, tần tảo nuôi con, tấm lưng gầy của mẹ đã còng theo năm tháng.
Cho con trở về tuổi thơ để được mẹ dắt tay đi học như những buổi đầu e dè, lạ lẫm. Chiếc bảng con, chùi nhọ nồi, treo bên hông, làm loang cả áo bạn bè. Mẹ nói rằng: “Con học được điểm 10 thì mẹ sẽ mua kẹo củi”, thứ kẹo quê làm từ mật mía, bọc bột trắng, gói trong lá chuối khô, mà con vẫn thường thích ăn. Chẳng biết có phải vì thứ kẹo ấy không, mà những quyển vở của con ngày đó luôn được cô giáo chấm điểm 10.
Con nhớ lắm những ngày hè theo mẹ, mang từng cuộn dây thừng, cha bện từ mây trong vườn ra chợ bán, kiếm tiền mua giấy, bút, túi xách đan bằng sợi cước, chuẩn bị cho năm học mới; chỉ sắm những thứ đó, chứ quần áo ngày Tết mới được mua. Những đứa bạn trong lớp, gặp con ngoài chợ, vẫn trêu “lớp trưởng đi chợ tề”, nhà nghèo quen cảnh, nên con chẳng ngại chi.
![Mẹ vẫn nấu bánh mỗi dịp tết về](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/08/10/2-6697-1439188573.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pi4dKXA2Ji8DhlfNy-xsNg)
Mẹ vẫn nấu bánh mỗi dịp Tết về.
Con nhớ dáng hình của mẹ ngày tiễn anh trai lên đường nhập ngũ. Trên bến sông quê, chuyến đò chở quân lên huyện như chở cả một miền thương nhớ. Mẹ đứng bên này sông, dõi mắt nhìn theo cho đến khi bóng anh trai khuất dần vào giữa bãi ngô xanh. Rồi 7, 8 năm, anh đi làm nhiệm vụ quốc tế không có ngày về phép, mẹ và cả nhà mỏi mắt trông chờ. Những lúc, nghe radio, biết được tình hình đơn vị nơi con trai đóng quân đang căng thẳng, mẹ lại thổn thức nghĩ về bên kia biên giới Tây - Nam. Nhiều đêm, mỗi lần ngả lưng xuống chiếc giường tre, dẫu đã nhắm mắt rồi, nhưng trong lòng mẹ, thì vẫn còn thao thức mãi.
Cũng như những người mẹ khác có con đi làm nhiệm vụ, yêu thương đành dấu vào trong, mẹ chưa khi nào thổ lộ với ai. Một lần, chiều 30 Tết, cả nhà đang quây quần bên nồi bánh, bỗng nhận được tin “ngoài bến sông có anh bộ đội về quê”, mọi người trong nhà ai cũng vui mừng, phấp phỏng. Mẹ chẳng nói gì, nhưng trong ánh mắt cũng rạng lên niềm phấn khởi. Con chạy thẳng ra bến sông, nhìn mặt, đếm người trên từng chuyến đò sang. Nhưng Tết năm ấy, anh trai vẫn chưa về được.
Nhớ ngày con lên đường nhập học, cha mẹ làm một bữa cơm sum họp gia đình. Sáng ấy, mẹ dậy sớm nhóm lửa nấu xôi, hai mẹ con cùng ngồi nhìn khói trắng bay qua cửa bếp, mà lòng nặng trĩu ưu tư. Hoàn cảnh nhà mình chật vật, con đậu đại học thì vui, nhưng đậu rồi lại sợ con không đi học nổi, vì chẳng có tiền. Trong lòng mẹ ngổn ngang cảm xúc âu lo, nhưng mẹ vẫn động viên “con cứ đi đi, đến đâu hay đó”. Và rồi con cũng ra đi, nhưng không được bao lâu vì điều kiện gia đình, con lại phải quay về, để lên đường nhập ngũ. Hành trang vào lính của con, ngoài những thứ giống bạn bè trang lứa, còn có nỗi buồn dở dang đại học. Những ngày về phép thăm quê, cùng mẹ đánh xe bò đi làm ruộng, thương mẹ cha vẫn lam lũ như xưa, mà tự hứa lòng cần phải cố gắng nhiều hơn.
Hoàn thành nghĩa vụ, trở về quê hương, cha đã mất, chỉ còn mình mẹ côi cút sớm hôm, song mẹ vẫn tiếp tục động viên con: “Mẹ già rồi, con hãy học mà đi”. Lời khuyên đó, có thể làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng con thì quá hiểu vì gần cả cuộc đời, mẹ chưa bao giờ nghĩ riêng cho bản thân mình. Sau bao mong đợi với những đêm dài ôn luyện, con lại lên đường nhập học lần hai, trong niềm vui tiếp nối được quãng đời sinh viên đã từng đứt gãy. Hoàn cảnh gia đình mình vẫn không khác xưa là mấy:
“ Bảy mươi tuổi mẹ vẫn còn lặn lội
Gần trọn đời dâu bể để nuôi con”
Mỗi dịp về quê, con lại ra đi cùng những đồng tiền mà mẹ chắt chiu, dành dụm được từ mồ hôi, nước mắt, là tiền bán những bó rau, nắm hẹ, con gà… Không có con trai ở nhà, để đỡ đần công việc ruộng vườn, bữa cơm ngon cũng chẳng nỡ ăn, với xóm làng có thể mẹ là người khổ nhất, nhưng mẹ vẫn vui cười để sống, bởi tất cả vì con. Những lần về hè, được ngồi dưới mái nhà thân thuộc, nhâm nhi những ly chè mẹ nấu, dẫu không đẹp như chè phố, nhưng vị quê lại rất đỗi mặn mòi.
Con cảm thấy hạnh phúc hơn anh trai vì được sống bên mẹ nhiều hơn, được chia sẻ cùng mẹ bao lo toan vất vả, bao niềm vui bình dị, giữa đời thường. Người ta vẫn nói “có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một chốn để về”, với con, chốn đó không chỉ là khung trời mơ ước với bao kỷ niệm tuổi thơ, về cánh đồng, cây đa, bến nước, trường làng… mà sâu nặng hơn là nơi được sống trong mênh mông tình mẹ. Trên mọi nẻo đường đất nước, mỗi lúc nghĩ về mẹ, là con như đã “trở về quê hương”.
Trần Văn Thư