Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu, nghiên cứu sinh tiến sĩ Môi trường Thủy văn, Đại học Tsukuba (Nhật). Chị cũng là đồng sáng lập một trường mẫu giáo tại Việt Nam dạy các bé theo phương pháp Nhật. Chị và chồng đã sống ở nước này 10 năm và có một bé trai gần 2 tuổi.
1. Dân trí càng thấp thì con càng bị béo phì, học kém
Tokyo có 23 quận, mình sống ở quận thuộc hàng nghèo nhất, nơi đây bệnh viện răng hàm mọc nhan nhản như nấm sau mưa. Cậu bạn mình là con một nha sĩ, đã chỉ ra nguyên nhân thế này: Ở quận nào nghèo nhất thì càng có nhiều người bị bệnh về răng (sâu răng…) do thu nhập thấp, trình độ dân trí cũng thấp nên họ chỉ ăn những thực phẩm loại 2 thôi. Họ không chú trọng bảo vệ răng, vì thế nên dễ gặp vấn đề về răng miệng.
Mở rộng ra các vấn đề khác liên quan đến giáo dục, đời sống. Càng các quận nghèo, dân trí càng thấp thì tỷ lệ trẻ bị béo phì càng nhiều, trẻ đi ngủ trễ càng nhiều, thành tích học tập càng thấp so với những quận có thu nhập cao, trình độ dân trí cao như là Minato, Chiyoda hay Edogawa…
Ở những nước phát triển như Nhật, bố mẹ càng hiểu biết thì càng chú trọng đến giáo dục con cái, nên con càng ít bị béo phì, càng có thói quen sinh hoạt đúng quy tắc (ngủ sớm, dậy sớm), càng được vận động nhiều, trải nghiệm nhiều. Họ sẽ tìm hiểu kỹ càng mọi thứ liên quan đến sức khỏe và sự phát triển của con. Họ đủ hiểu biết để phản biện và nhận biết đâu là tốt cho con trước những thông tin quảng cáo nhan nhản ở Nhật nào là thuốc giúp con phát triển chiều cao, cân nặng, giáo dục sớm…
Có rất nhiều ba mẹ nhắn tin hỏi mình các thông tin về thuốc tăng chiều cao cho con của Nhật có tốt không, thuốc tăng cân có hiệu quả không.
Xin trả lời rằng ở Nhật những cha mẹ hiểu biết không bao giờ dùng các thứ thuốc đó cho con. Ngay cả bác sĩ cũng không khuyên dùng nếu con bạn không bị bất cứ vấn đề gì khác thường. Bác sĩ tư vấn giúp họ hiểu rằng cách giúp con phát triển chiều cao và cân nặng bền vững nhất chính là rèn luyện thói quen ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng, vận động thích hợp chứ không thể dựa vào mấy lọ thuốc nhét vô người con. Các bậc cha mẹ Nhật rất chú trọng điều này.
2. Bỏ đi nỗi ám ảnh chiều cao, cân nặng
Khi các ba mẹ Nhật gặp nhau, họ không hỏi con chị bao nhiêu ký, cao bao nhiêu hoặc than thở ôi con tôi lười ăn lắm, còi lắm... Họ không thể hiện sự quan tâm cho người khác thấy, không đánh giá con người khác, cũng không chê và so sánh con mình.
Hiện nay cha mẹ Việt Nam cũng đã thay đổi nhận thức về chuyện chiều cao, cân nặng, nhưng có vẻ áp lực từ xã hội và từ phía ông bà còn khá lớn. Mong mọi người hãy quẳng cái cân và ngừng so sánh chiều cao, cân nặng của con mình với con bạn, ngừng nghe mấy bác sĩ phán rằng con bạn bị suy dinh dưỡng trong khi nó vẫn lớn, vẫn khỏe mạnh.
Tâm lý muốn con cao lớn ở Việt Nam vô hình tiếp tay cho những chiêu PR về thuốc “thần dược” giúp con cao lên, nặng lên. Vì thế, mỗi cha mẹ hãy dành thời gian đọc sách, tìm hiểu thông tin chính xác để chọn cái gì tốt nhất cho con mình, tránh thông tin nghe đồn, tránh tâm lý "của Nhật thì chắc tốt", vì như thế sẽ chỉ có hại cho con.
Rất nhiều mẹ kể rằng ở Việt Nam hiện nay bạn bè xung quanh họ đang phải đối mặt với việc con bị dậy thì sớm do quá chú trọng tăng cân nặng chiều cao, bổ sung dưỡng chất mà quên đi rèn luyện thể chất và thói quen sinh hoạt khỏe mạnh cho con.
3. Giúp con có thói quen ăn uống lành mạnh, sinh hoạt vận động thể chất đầy đủ
Nuôi con không bao giờ là dễ dàng, vì con đường dễ dàng nhất là con đường chứa nhiều hiểm họa nhất. Chỉ cần cho con vài lọ thuốc con sẽ cao lên, lớn lên hoàn toàn không phải là cách nuôi con mình tán thành. Hay cho con tham gia vào các lớp giáo dục cũng không phải là cách mình làm với con, vì con cần thời gian, cần ba mẹ dụng tâm nhiều hơn là phó thác con cho một nơi nào đó.
Con người phải trải qua 9 tháng trong bụng mẹ, phải mất một năm để biết đi, mất 18 năm để trở thành một người trưởng thành, hoàn thiện các kỹ năng để bước vào cuộc sống xã hội. Thế thì hành trình ấy rất cần cha mẹ phải tốn thời gian, tốn công sức để giúp con hình thành những kỹ năng đó. Giúp con lớn lên thông qua thói quen ăn uống lành mạnh khoa học, thói quen vận động cơ thể, thói quen sinh hoạt điều độ chính là món quà lớn nhất ba mẹ có thể dành cho con trên hành trình cần sự bền bỉ này.
Nguyễn Thị Thu