Chị Nguyễn Thị Thu là nghiên cứu sinh tiến sĩ Môi trường Thủy văn, Đại học Tsukuba. Chị và chồng sống ở Nhật đã 10 năm và có một bé trai gần 2 tuổi. Dưới đây là chia sẻ của chị về quyết định "sống chậm" cùng con.
2015 là năm tôi đã cố gắng hết mình cốt mong sao sẽ tốt nghiệp PhD (học vị Tiến sĩ) đúng hạn ba năm, để nhanh chóng dành thời gian cho những hoạt động khác. Suốt một năm tôi đón con trai muộn hơn để tranh thủ học bài. Nhưng tôi vẫn không kịp hoàn thành dự định mình đề ra. Nó thực sự là một cú sốc khá nặng.
Một ngày kia tôi nhận ra một năm sống vội của tôi trôi qua nhanh quá, khi tôi giật mình nhìn lại con trai bé bỏng của tôi đã gần 2 tuổi.
Chỉ tuần trước với tuần sau mà số từ vựng tiếng Việt và tiếng Nhật của con đã thay đổi đáng kể khiến cô giáo cứ ngạc nhiên khen ngợi suốt. Nhưng mức độ ngang bướng của con cũng tăng vọt khiến mẹ giật mình và bối rối vì không biết phải ứng xử sao cho đúng. Chỉ tuần trước với tuần sau mà cách xếp ôtô của con đã khác, cách con bày trò để câu giờ khỏi đi đến nhà trẻ cũng khác...
Và tôi quyết định sống chậm lại một chút để cùng con tận hưởng tuổi lên 2 sắp đến và tuổi 30 của mình. Tôi gửi con muộn hơn và đón con sớm hơn để có nhiều thời gian trò chuyện với con, chơi với con cũng như dành thời gian cho gia đình hơn.
Học tập là cả đời, và chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu học một cái gì mới. Việc học chậm lại nửa năm cũng được. Nhưng vì ngày hôm nay khác ngày hôm qua và khác ngày mai, nên khi muốn làm cái gì hãy làm luôn cái mình đang muốn. Tôi sống theo cách như thế đó.
Tôi muốn cùng con trải nghiệm với chính những sở thích của mình và thấu hiểu sở thích của con để chúng mình như một đôi bạn cùng tiến. Nhìn con, tôi học được một điều đơn giản nhất, hãy cứ sống với tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết mỗi ngày, và đừng quá lo lắng đến tương lai hay chuyện tiền bạc, hãy cứ sống với nhiều đam mê và theo đuổi nó đến cùng là được.
Con ra đời chính là một cơ hội để mẹ học cách làm mẹ, cùng con học thêm những điều mới mẻ.
Nguyễn Thị Thu