Tôi trở về quê nhà khi thời gian đã quét lên mái đầu một màu sương trắng. “Mưu sinh”- cái động từ tôi đã dùng để “biện bạch” cho lỗi lầm của mình trước câu chửi yêu của mẹ: “Cha bố tông môn nhà anh, cứ biền biệt, tưởng không biết đường về!”.
![13_1439107511.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/08/10/13-6739-1439173969.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ai96rjy56VqPfPdHpFbclQ)
Mẹ tôi.
Cánh đồng làng năm xưa giờ đã thay hình đổi dạng. Còn đâu những bờ cỏ non; những cánh cò làm điểm nhấn cho bức tranh quê nhà đẹp đến say lòng? Tôi bâng khuâng đứng giữa đồng lúa xanh rờn mà thấy cô đơn heo hắt. Hết rồi, tuổi thơ ơi sao đi nhanh thế. Giá như lúc này có được một điều ước, tôi sẽ ước mình trở về cậu bé chăn trâu vui cùng chúng bạn, bắt cào cào chăn con chim sáo... Tiền của, nhà lầu xe hơi dù có cao sang đến mấy cũng không thể đánh đổi lại một cánh cò thời thơ ấu; hay một phút dại khờ nghịch ngợm bị cha cho ăn mấy roi mây lằn đít.
Tôi đang tìm lại những người bạn thân thiết. Người bạn đầu tiên của tôi là con trâu mộng có đôi sừng vòng, quanh năm vất vả cày bừa. Trâu vui cùng tôi mỗi ngày và khóc cùng tôi khi gặp nỗi buồn. Ai dám bảo trâu không biết khóc thì hãy về quê làm bạn với trâu. Chỉ vì thương trâu mà tôi không nỡ trốn nhà đi theo mấy thằng kẻ cắp! Tôi đã khóc cùng trâu trong một đêm đông lạnh cóng!
Cánh đồng năm xưa mỗi trận mưa về là bao cá tép, tôm cua làm ngọt bữa cơm gia đình. Giờ khó mà tìm lại. Bỗng mẹ hiện trên cánh đồng, xắn quần tận gối, còng lưng cấy lúa, ngày ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” làm ra hạt gạo nuôi con khôn lớn. Vất vả đắng cay mẹ vẫn cười. Mẹ chắt chiu chăm lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Thương con mỗi tối học bài. “Gắng học giỏi, để nay mai giống ông giáo Tứ”, Mẹ bảo thế. Ông giáo Tứ quê tôi ai cũng biết, một con người mẫu mực đáng kính!
Mẹ đã đi qua 94 mùa mưa nắng mà đôi mắt vẫn sáng trong để nhìn đời, nhìn thấy đứa con trở về sau bao năm trời xa xứ mưu sinh. Đôi tay mẹ run rẩy nắm tay con, mẹ lại chửi: “Bố nhà mày, lúc bé thì nghịch như quỷ sứ, suốt ngày lặn lội ngoài đồng lấm lem mò cua bắt ốc, bỏ cả ăn”. Vâng, ngày xưa nghèo, cái gì cũng thiếu, chỉ có cái tình. Quê nhà “tối lửa tắt đèn có nhau”, chia nhau từng quả dưa cà, giúp nhau từng mùa gặt gái, vui cười vẫn hiện trên môi. Tôi ước mơ trở về tuổi thơ nơi quê nhà. Điều đó giờ chỉ còn là hoài niệm, nhưng nếu ai đó không còn nhớ tới quê hương, nhớ tới người sinh thành, thì đúng là “sẽ không lớn nổi thành người”, như câu ca người đời vẫn hát.
Hôm nay tôi về bên mẹ, không ai đánh mà những giọt mặn chát cứ lăn trên má, rớt vào cuộc đời… Đời rất cần mặn chát, nó chỉ có ý nghĩa với những ai mang trong mình tâm hồn cao thượng, coi tình người là trên tất cả. Tôi đã có một thời gian sai lầm, suy nghĩ thiển cận: có tiền là có tất cả. Tôi đã lao như con thiêu thân vào đời làm đủ trò mong chiếc túi lắm tiền nhiều của, mà quên đi nơi quê nhà một thời xơ xác. Để rồi lần ấy tôi nằm kiệt sức nơi bệnh viện, mắt nhắm nghiền. Trong giấc mơ hôm ấy tôi cùng chúng bạn đánh trận giả trên cánh đồng làng giữa mùa hanh khô, để mẹ gọi rát họng bỏng cổ mà vẫn không về…
Tôi bừng tỉnh dậy gọi mẹ. “Yên tâm mẹ sắp đến rồi”- vị bác sĩ chăm sóc cho tôi nói vậy. Thế là tôi qua cơn nguy kịch. Sau này có một nhà tâm lý nói với tôi rằng: “Quê hương và người mẹ là liều thuốc đã cứu sống bạn”. Có thể ai đó không tin? Nhưng tôi tin điều đó là có thật. Rất thật. Năm 17 tuổi, tôi vào bộ đội, chiến đấu nơi chiến trường Quảng Trị 1972. Trận chiến ác liệt, tôi bị thương, mang trên mình thương binh hạng 3/4. Sau này tôi phải chịu hai lần phẫu thuật tim tại hai bệnh viện tim lớn nhất nước “thế mà vẫn không chết, vẫn sống và làm nhiều việc có ích như một người khỏe mạnh?”- một nhà báo đã phỏng vấn tôi như vậy. Vâng, bởi một lẽ trong tôi luôn mang nặng tình yêu. Tôi sống là vì tình yêu…
Hôm nay tôi về bên mẹ, sao thấy yêu mẹ đến thế! Mẹ tha thứ cho lỗi lầm của con nhé. Trong sâu thẳm lòng con, mẹ vẫn luôn ngự trị.
Tôi lại chạy ra cánh đồng làng để tìm lại tuổi thơ, nơi ấy cha mẹ cấy cày và những bạn bè mặt mũi lấm lem...
Đào Sỹ Quang