Mẹ tôi - như bao phụ nữ miền quê khác, gánh một đời nhọc nhằn trên vai cho chồng con, đến cả cháu cũng lo ngày, lo đêm. Giờ mỗi lần mua cho thằng cu chiếc áo mới chỉ bằng vài cú click chuột, vài trăm nghìn cũng không thấy quá lớn lao, tôi lại chọc mẹ: "Ngày xưa chỉ Tết mới mua cho tụi con bộ đồ mới, mà vừa mặc xong đã mang cất, đợi đi đâu mới lấy ra mặc cho lịch sự." Mẹ chỉ cười: "Trời, hồi đó khổ muốn chết".
Tôi đã đủ lớn để hiểu "khổ muốn chết" của mẹ như thế nào. Nếu muốn có vài chục nghìn mua đồ cho chị em tôi, mẹ phải thức rất nhiều đêm để chẻ nan, đan thún, hoặc chờ cả mùa lúa dãi nắng dầm mưa mới dư ra chút ít mà sắm sửa. Vậy mà hồi đó cứ thấy bạn có đồ mới, có tiền ăn bánh, tôi lại trách sao nhà mình không có nhiều tiền như nhà bạn.

Mẹ tôi - người gánh một đời nhọc nhằn trên vai.
Hồi đó mẹ không có nhiều tiền nhưng thời gian cho con tối nào cũng có. Cứ ăn cơm xong, mẹ tôi lại quăng cái giẻ lau với cục phấn, quét sạch sáng bốn ô gạch bông. Hai mẹ con đi qua hết con chữ này tới chữ khác, nhờ vậy tôi vẫn không quên cảm giác ngày đầu tiên bước vào lớp một. Tôi ôm chồng tập ghi tên các bạn, đọc ro ro rồi đi phát, lúc ấy tôi rất tự hào là con của mẹ.
Đến giờ, mẹ lại chăm con khi tôi đi làm. Mỗi tối nghe hai bà cháu nằm ôm nhau hát "Cháu lên ba", thằng nhóc nhà tôi vốn lười nói mà lại hát được. Tôi thầm tiếc giá như mẹ được làm cô giáo, chứ không phải nông dân sớm hôm trông mưa, trông nắng.

Cậu nhóc nhà tôi rất quấn bà.
Mẹ tôi là nông dân chính hiệu, quanh năm quẩn quanh ruộng vườn nhưng luôn bên cạnh khi tôi cần. Ngày tôi chạy xe máy lần đầu từ quê lên Sài Gòn đi học, mẹ ngồi sau lưng tôi. Ngày tôi tốt nghiệp đại học, mẹ lặng lẽ đứng bên dưới nhìn tôi lên lãnh bằng. Ngày tôi đi lấy chồng, mẹ giấu nước mắt sau cánh cửa kính lên máy bay. Ngày tôi sinh bé, mẹ vừa đi, vừa khóc sợ tôi một mình. Ngày tôi về nhà mới, sau mọi cuộc vui cũng vẫn là mẹ giúp tôi xếp từng món đồ, lau từng ngách tủ. Ngày tôi đi nhận chiếc xe ô tô đầu tiên sau nhiều nỗ lực của hai vợ chồng, tôi biết mẹ cũng có nhiều lo lắng.
Bởi lo lắng và hy sinh luôn là bản năng của người mẹ, đặc biệt là những người mẹ quê vốn khó khăn hơn những người mẹ khác, nên với tôi nó rất đặc biệt.
Dưới bóng nắng sáng, mẹ tôi kéo dây tưới hết các chậu cây, khóm rau, còn thằng cu cháu cứ lon ton chạy theo nghịch nước, tôi thấy bóng người phụ nữ tôi trân quý ấy, đã bớt những âu lo.
Nguyễn Thị Kim Tuyến
Từ ngày 3 đến 30/10, độc giả chia sẻ về người phụ nữ bạn luôn yêu thương và trân trọng nhất, hoặc tham gia bằng cách viết về chính mình nếu bạn có một câu chuyện truyền cảm hứng muốn lan tỏa đến những người xung quanh, để có cơ hội nhận bộ trang sức PNJ. Độc giả gửi bài tham gia cuộc thi dưới dạng bài viết trong khoảng 500 - 1.000 từ có dấu, font Unicode, kèm theo ít nhất 1-3 hình ảnh minh họa là nhân vật người phụ nữ được nói đến trong bài. Gửi bài dự thi tại đây.