Theo BBC, trong video, lời thỉnh cầu của bà Shirley Sotloff được gửi trực tiếp đến Abu Bakr al-Baghdadi, người được cho là giáo chủ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bà mô tả con trai mình là một nhà báo đến Trung Đông để đưa tin về "nỗi thống khổ của những người dân Hồi giáo dưới bàn tay của các bạo chúa".
"Steven không kiểm soát các hành động của chính phủ Mỹ. Nó là một nhà báo vô tội. Tôi luôn biết rằng ông, giáo chủ Hồi giáo, có thể ban ân xá. Tôi cầu xin ông hãy thả con trai tôi", bà Shirley Sotloff nói. "Tôi cầu xin ông hãy dùng quyền lực của mình để tha mạng cho nó và đi theo tấm gương của nhà tiên tri Muhammad".
Việc Steven bị bắt cóc không được biết đến rộng rãi do các phiến quân IS đe dọa sẽ giết anh nếu bà Shirley công khai vụ việc. Tuy nhiên, hôm 19/8, Steven, người mất tích ở Syria năm ngoái, bất ngờ xuất hiện ở đoạn cuối video quay cảnh hành quyết nhà báo James Foley được những kẻ khủng bố tung lên mạng.
Sau khi chặt đầu Foley, tên phiến quân trong video cảnh báo rằng mạng sống của Steven phụ thuộc vào quyết định tiếp theo của Tổng thống Barack Obama. Mỹ gần đây tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm của IS ở Iraq để giải cứu hàng nghìn người thuộc sắc tộc thiểu số Yazidi. Washington cũng đang để ngỏ khả năng không kích IS ở Syria.
Nhà phân tích Christopher Voss, từng là một nhà thương thuyết về con tin của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nhận định bà Shirley rất tôn trọng những kẻ bắt cóc con trai mình, và đó là một lựa chọn khôn ngoan.
"Thể hiện sự tôn trọng là một trong những điều tốt nhất nhưng cũng là khó nhất trong trường hợp này. Cơ hội thành công rất mong manh và cần có sự can đảm lớn khi thử làm điều mà có khả năng cao là sẽ thất bại", ông Voss nói. "Chọn cách tiếp cận này là một dấu hiệu cho thấy bà ấy thực sự rất mạnh mẽ. Tôi tin bà ấy sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân nếu không dám tiến lên và thử làm điều đó".
Sáng hôm qua, một nhà báo Mỹ khác là Peter Theo Curtis, 45 tuổi, đã hồi hương sau khi bị các phiến quân al-Nursa, chi nhánh chính thức của al-Qaeda ở Syria, giam giữ gần hai năm.
Peter được thả hôm 24/8, nhờ sự giúp đỡ của chính phủ Qatar.
Anh Ngọc