Ít nhất 69 nhà báo thiệt mạng khi đưa tin tình hình chiến sự ở Syria, hơn 80 người khác bị bắt cóc, theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ). Cơ quan này ước tính "khoảng 20 nhà báo cả người địa phương và quốc tế vẫn mất tích ở Syria. Nhiều người trong số đó được cho là đang trong tay IS".
Cái chết của Foley gợi lại vụ việc của Daniel Pearl, phóng viên Wall Street Journal bị bắt cóc và giết hại tại Pakistan năm 2002. Cả hai đều bị chặt đầu dã man. Các băng nhóm cực đoan sau đó đăng tải đoạn video ghi lại vụ hành quyết lên mạng.
Trong trường hợp của Pearl, al-Qaeda là thủ phạm. Đối với Foley, trách nhiệm thuộc về IS, một nhóm tách ra từ al-Qaeda hồi đầu năm.
Đoạn băng trên Youtube hôm 19/8 cho thấy Foley đang quỳ trên cát mênh mông, phía sau anh là một người đàn ông che mặt mặc đồ đen. Foley nói những lời cuối trước khi chết, rõ ràng là lời của kẻ thủ ác buộc anh đọc.
"Tôi ước mình có nhiều thời gian hơn. Tôi ước mình được tự do, để có thể nhìn thấy gia đình mình một lần nữa". Đây là những lời Foley nói trong đoạn băng. Tên đao phủ sau đó nói bằng tiếng Anh giọng Anh, nội dung đe dọa sẽ giết một phóng viên Mỹ khác đang bị chúng giam giữ để trả đũa cho việc Mỹ đánh bom các mục tiêu của IS. Sau cùng, tên đao phủ tiến lên kề dao vào cổ Foley.
Phóng viên chiến trường bị biến thành mục tiêu
Trở lại năm 2002, việc nhà báo Pearl bị giết chỉ vài tháng sau sự kiện khủng bố 11/9, đã khiến cả thế giới sốc bởi sự dã man của tội ác cũng như mức độ nguy hiểm trong công việc của nạn nhân.
"Những vụ việc này cho chúng ta thấy việc đưa tin trong chiến tranh về cơ bản đã thay đổi", Scott Anderson, phóng viên chiến trường kỳ cựu làm việc tại tạp chí New York Times, nói sau cái chết của Pearl.
"Những kẻ nắm quyền tại khu vực xung đột không coi giới truyền thông là những người quan sát trung lập nữa, trái lại họ trở thành những quân bài chiến lược, thứ gì đó để thao túng hoặc làm đòn bẩy hay đơn giản là để loại bỏ", Anderson viết.
Vụ sát hại Pearl như một "xúc tác cho sự trỗi dậy" của việc chặt đầu con tin bị giam cầm bởi phiến quân Hồi giáo, Timothy Furnish, nhà sử học, viết trong Middle East Quarterly.
Trong suốt cuộc chiến tranh Iraq, phiến quân đã chặt đầu ba công dân Mỹ. Họ là doanh nhân Nicholas Berg, hai nhân viên công ty xây dựng Eugene Armstrong và Jack Hensley. Nhiều người nước ngoài khác và vô số dân thường Iraq cũng phải chịu chung cảnh ngộ. Tại Saudi Arabia năm 2004, Paul Johnson Jr., một doanh nhân người Mỹ bị quân khủng bố al Qaeda chặt đầu.
Nay mọi chú ý đều dồn vào IS, những kẻ tai tiếng toàn cầu bởi hành động man rợ tại Syria và Iraq, chúng từng khoe khoang việc cắt đầu đối phương và bêu lên cột. Chúng nắm quyền kiểm soát khu vực rộng lớn tại Syria và Iraq, gieo rắc những cái chết thương tâm cho dân chúng và đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số.
Mối đe dọa của IS tại miền bắc Iraq gia tăng nghiêm trọng. Để cứu các sắc tộc thiểu số và hỗ trợ chính phủ Iraq, Mỹ tiến hành không kích các mục tiêu của chúng. Quyết định này rõ ràng khiến IS tức giận và thực thi các hành động trả đũa trong đó có việc giết hại dã man Foley, đe dọa giết thêm một phóng viên Mỹ nữa.
Tuy nhiên, theo Bob Baer, chuyên gia phân tích an ninh của CNN, ông không hy vọng đoạn băng sẽ làm Tổng thống Obama thay đổi chiến thuật.
"Tôi không nghĩ Nhà Trắng sẽ thoái lui trong vụ việc lần này, dù khả năng có thêm nhiều vụ hành quyết khác là rất cao, như ISIS tuyên bố", cựu đặc vụ CIA Baer nói. "Tôi cho rằng chính phủ phải dự liệu được điều này từ khi bắt đầu nhắm tới các mục tiêu ở Iraq".
Vũ Hoàng (theo CNN)