Bài viết dưới đây là chia sẻ trên Facebook của Brooke Hampton, một cây viết, nữ doanh nhân sống tại Texas, Mỹ:
Đây là bức ảnh con gái 13 tuổi của tôi đang ngồi tính toán các loại chi tiêu gia đình cuối mỗi tháng. Con gái được giao nhiệm vụ phụ trách ngân sách đi siêu thị của cả nhà.
Thoạt đầu, tôi khá bất ngờ trước rất nhiều chỉ trích của các ông bố bà mẹ xung quanh, rằng tôi hẳn là một người mẹ cực kỳ lười khi giao cho con lắm trách nhiệm như thế. Tôi thì thấy danh hiệu "mẹ lười" như một lời khen vậy.
Tôi làm "mẹ lười" một cách có chủ ý và sự lười đó giúp 3 con tôi trở nên tự lập, chủ động như ngày hôm nay. Vốn là một người năng động và có nhiều năng lượng, các việc loanh quanh trong nhà tôi có thể làm loáng là xong, nhưng tôi không muốn xử lý theo cách đó. Tôi muốn các con phát triển tính trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh, bắt đầu từ chuyện tham gia làm việc nhà.
Tôi rất "cảm kích" khi nhận được những ánh nhìn phán xét và những lời bình luận gay gắt từ một số phụ huynh, cho rằng tôi đang bắt con mình làm những việc "quá sức". Họ có thể phán xét tôi thế nào cũng được, nhưng tôi tin tôi đang dành tặng cho các con một món quà quý giá nhất. Tôi đang từng bước chuẩn bị cho các con hành trang, để rồi dần dần chúng sẽ không cần đến sự có mặt của tôi nữa.
Tôi nghĩ chúng ta thực sự đang đánh giá thấp con trẻ. Chúng có khả năng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Nhiều bố mẹ đang ra sức kiểm soát quá mức mọi thứ trong cuộc sống và không cho phép con cái có chút thời gian, cơ hội nào để thử và sai. Chúng ta quá bận rộn để trở thành "bố mẹ lười", và chính điều này làm hại con trẻ. Sự thật là, những đứa trẻ được đối xử như thể chúng thật sự có khả năng sẽ trở nên có khả năng thực sự.
Và mọi thứ bắt đầu từ những điều cực kỳ nhỏ bé, khi một đứa trẻ 2-3 tuổi muốn giúp ba mẹ rửa bát, và đương nhiên sẽ tạo ra một cơn "sóng thần" khủng khiếp trong nhà bếp. Đó cũng có thể là khi đứa con 4 tuổi muốn tranh việc xách túi rác đi đổ khi mẹ mở cửa bước ra ngoài - thay vì 2 phút nếu bạn tự làm thì việc ấy mất tới những 20 phút, vì túi rác to gần bằng cả người con. Đã thế việc kéo lê trên mặt đất khiến túi bị bục, làm bạn không những phải dọn dẹp cả quãng đường mà còn phải lôi con về tắm lại từ đầu đến chân... Lúc này bạn đã muộn giờ tới cuộc hẹn của mình nhưng con thì đang cảm thấy chúng thật là "toàn năng", và sự đánh đổi này rất xứng đáng.
Để làm một bà mẹ lười, cần lắm sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm. Bởi vì cách bọn trẻ làm sẽ không hoàn hảo đâu (ít nhất là lúc đầu), thay vì thế chúng sẽ tạo ra những đống lộn xộn, bừa bãi, các món đồ sẽ cong queo hay bị xáo trộn, nhiều cốc chén bát sẽ vỡ. Rồi bất cứ việc gì chúng làm sẽ kéo dài gấp 4 lần thời gian so với việc bạn tự làm. Và đôi khi vì quá mềm lòng, nên khi thấy con chật vật mãi không xong, chúng ta muốn xắn tay vào giúp ngay - chúng ta muốn cuộc đời dễ dàng hơn chút với trẻ!
Nhưng bạn biết đấy, cuộc sống ngoài kia không dễ dàng chút nào, nó cực kỳ khắc nghiệt. Bạn đang tạo ra những rào cản lớn với sự trưởng thành của con bằng cách không cho phép chúng được chật vật cố gắng để vượt qua từ những việc nhỏ trong nhà hằng ngày.
Tôi thấy rất nhiều ông bố bà mẹ luôn chần chừ và trì hoãn việc giao cho con các trách nhiệm việc nhà. Họ sợ rằng hoặc con sẽ bị đau, hoặc con sẽ làm quá lâu và họ không có thời gian chờ con, hoặc họ muốn căn nhà phải sạch đẹp hoàn hảo như tấm ảnh trên tạp chí. Họ lo lắng rằng, làm sao một đứa con 3 tuổi có thể tự dọn phòng, sắp xếp góc vui chơi của chúng, hay tự làm đồ ăn sáng một cách ra hồn?
Sự chật vật mà trẻ sẽ gặp phải là có thật, nhưng là bố mẹ, bạn cần học cách vượt qua cám dỗ của việc làm hộ trẻ mọi việc. Bởi quá trình nuôi lớn một con người tự lập, biết làm chủ bản thân và cuộc sống của chúng sẽ không bắt đầu khi chúng 16 tuổi và còn chưa tự làm được gì cho bản thân. Nó bắt đầu từ tuổi lên 3, khi trẻ cần bạn lùi ra phía đằng sau, để chúng tự mình tạo nên một cơn "sóng thần" trong chậu rửa bát.
Hãy giúp con (và chính bản thân bạn) bằng cách trở thành một "bà mẹ lười". Hãy lùi lại phía sau và để chúng thử và sai, và thử lại lần nữa.
Đỗ Kim Phượng