Từng là một tư vấn viên về giáo dục sớm ở Hà Nội, khi sinh con xong, chị Trần Bích Ngọc, 28 tuổi quyết định nghỉ việc, dành thời gian 3 năm đầu đời bên con. Chị về quê chồng ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), nơi có phong cảnh đẹp, cuộc sống bình dị để nuôi dạy con.
Vợ chồng tôi cưới nhau năm 2015. Thời đó hai đứa làm ở Hà Nội. Chồng có công ty xây dựng nhỏ. Tôi làm tư vấn giáo dục sớm nên biết được giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi rất quan trọng với trẻ, đặc biệt về vận động. Đến lúc có con, tôi nghĩ tiền không kiếm hôm nay thì mai kiếm, riêng tuổi thơ của con thì chỉ có một, vậy nên quyết nghỉ việc tự chăm con.
Tôi cũng quyết định nuôi con ở quê. Ông bà ngoại ở thành phố Điện Biên, bố mẹ kinh doanh, từ nhỏ tôi chưa bao giờ phải xuống đồng, hay mổ gà, mổ vịt. Nhà chồng ở ngay thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), nuôi bò, làm ruộng. Khác biệt gia đình, văn hóa... khiến tôi lo lắng, nhưng vì muốn tốt nhất cho con, nên tôi nhanh chóng dẹp sang một bên những phiền muộn ấy.
Tháng 7/2016, ngay khi sinh bé Cốm xong là tôi về quê. Bé đang còn trong tháng tôi đã cho con nằm sấp trên giường và cái máng tập, khiến ai đến chơi cũng kêu. Mặc dù đã giải thích, nhưng ông bà nội sợ nên toàn tránh đi chỗ khác không dám nhìn.
Lúc một tháng, con đã cứng cáp hơn nhiều. Tôi sử dụng một quả bóng yoga to 65 cm, đặt con nằm lên bóng sấp, ngửa rồi cũng đung đưa liên tục trái phải, lên xuống. Hai tháng, Cốm rất thích đu trên tay bố mẹ. Mỗi lần bế thấy chân con cứ thẳng tuột ra bố cháu lại đặt chân con vào lòng bàn tay, một tay giữ, sau đó thả dần tay đỡ người. Đến hơn 7 tháng, con đã có thể đứng trên tay bố lâu không cần giữ.
Việc ăn dặm cũng vậy. Tôi cho con ăn theo phương pháp tự chủ, nên 6 tháng cho ăn đồ thô luôn. Ông nội bị ám ảnh bởi cách cho ăn này, đến mức một hôm ông mơ rồi hét toáng lên: 'Không cho con Ngọc cho Cốm ăn kiểu vậy nữa".
Lúc đó, tôi nhỏ nhẹ: "Bố cứ bình tĩnh. Nếu tình hình không khả quan thì con sẽ cho bé ăn theo ý bố". Thế rồi đến một ngày khi bước sang tháng thứ 9, Cốm tự gặm hết cái đùi gà. Đến 13 tháng con tự xúc được cơm ăn. Mọi thứ cứ dần đi vào quỹ đạo, bố mẹ thì ngày càng tin và ủng hộ tôi.
May mắn, tôi có mẹ chồng tâm lý. Từ lúc mang bầu tôi đã nói với bà về nuôi con bằng sữa mẹ và những quan điểm chăm con của mình để mẹ hiểu được phần nào. Mẹ cũng chịu khó đọc sách báo, nên tôi thường chia sẻ với mẹ, để từ đó giúp bố bình tĩnh hơn. Khi Cốm nói được, tôi in thơ, các bài đồng dao, bài hát để ông bà dạy bé.
Hàng xóm nhìn tôi nuôi con như kiểu lạ đời lắm. Những tháng đầu mới sinh, các bà, các chị thường hay kêu mỗi lúc tôi cho con ra ngoài chơi. Thấy vợ chồng tôi tập thăng bằng cho con, mọi người nói: "Chúng nó đang làm xiếc cho con đấy", hoặc "Đúng là dở hơi, lạ đời". Tôi nghe dạ vâng, rồi cười trừ.
Buồn cười nhất là ngày ngày hai mẹ con hay đi lượn xung quanh làng xóm, lên đồi, ra đồng. Thấy cái gì lạ là Cốm sà vào. Miễn không có hại là tôi kệ, chỉ giải thích cho con thôi, nên việc lăn lê, ăn bốc be bét mặt mũi là bình thường. Cũng vì thế, tôi thường được các bà ở quê gắn cho cái mác "mẹ bẩn".
Giờ Cốm được 23 tháng. Mỗi khi đi đường là cứ nghêu ngao hát, rồi đọc thơ, thấy người lớn là tự chào. Mọi người khen: "Mẹ nó có phương pháp dạy nên nó khác, nó phải khôn". Nhưng thực ra, bé nào cũng vậy, tạo cho con cơ hội làm được, cho con tiếp xúc là con tự làm được hết.
Tháng 12/2017, tôi sinh con thứ hai. Tới bé này, ông bà nội đã tin tưởng hoàn toàn nên ủng hộ, giúp đỡ mọi việc để cùng nuôi dạy hai bé tốt nhất.
Hàng ngày, ba mẹ con dậy sớm đi thể dục, hít nắng mới. Sau khi ăn sáng, Cốm sẽ theo ông bà ra quán bán hàng. Tôi với cu em ở nhà, hai mẹ con sẽ bày trò cùng chơi với nhau. Đến buổi chiều ngủ dậy, ba mẹ con sẽ cùng chơi.
Gần hai năm đã trôi qua, nhìn con mỗi ngày một lớn, một khỏe, được bên mẹ, bên ông bà, được ăn uống sạch, hít thở trong lành... là vợ chồng tôi hạnh phúc. Chồng bảo, anh cố làm thêm một tí cũng không sao, còn tôi hy sinh công việc thêm vài năm nữa cũng không hề gì.
Ước sao cho những ngày thảnh thơi này trôi qua thật chậm, thật nhẹ nhàng để mẹ con tôi có thật nhiều kỷ niệm...
Phan Dương