Bài: "Mẹ muốn quản lý lương của tôi nhận được nhiều bình luận", Tâm sự xin tổng hợp những câu chuyện nổi bật trong số đó.
Mẹ lấn hết tiền tôi nhờ giữ trong 7 năm để mua nhà cho con trai thứ
Nhà tôi có ba anh em, tôi anh cả, có em trai và em gái út. Ngày xưa đi học đại học xong đi làm, thu nhập chỉ đủ sống, tiết kiệm được vài năm thì dùng tiền đó đi xuất khẩu lao động. Qua Nhật, tuy buồn nhưng tôi cứ nghĩ sẽ quay về khi khá giá nên cũng ráng chịu được. Đi làm 5 năm, chỉ giữ lại một ít, còn đâu gửi hết về cho mẹ giữ, tôi có nói là mẹ lấy 1/3 mà nuôi em, còn 2/3 con để dành lấy vợ.
Ngày về sau bảy năm, nhà tôi vẫn thế, không khác gì, chỉ khác duy nhất là em trai tôi đã có căn nhà đứng tên nó, em gái cũng vừa lấy chồng. Riêng tiền của tôi không còn một đồng. Mẹ tôi nói đã mua nhà cho em trai rồi vì nó không có tiền, còn tôi có khả năng đi làm được. Em gái tôi được mẹ cho 300 triệu đồng. Bố mẹ tôi không đi làm. Giờ ông bà bảo tôi đi xuất khẩu lao động tiếp đi, về làm gì. (Trần Hoàng Việt 1981)
Mẹ mua nhiều bất động sản cho tôi sau hơn 10 năm giữ tiền giúp
Nhà tôi có hoàn cảnh y như tác giả, ở thời kỳ tầm tuổi tác giả tôi kiếm hơn trăm triệu đồng mỗi tháng (hơn 10 năm trước tiền có giá trị hơn bây giờ nhiều). Mẹ tôi cũng yêu cầu đưa lương. Tôi đưa mẹ phần lớn, chỉ giữ lại ít cho bản thân. Sau hơn 10 năm, tất cả tiền đó mẹ tôi đã quy ra nhà, nhà cho thuê, giá trị đều tăng gấp đôi gấp ba so với trước. Đến giờ riêng tiền cho thuê nhà đã đủ sống thoải mái. Nếu hồi đó tôi tiêu pha, hoang phí, đi du lịch, tự thưởng cho bản thân chắc chắn không thể được như vậy
Đừng cho là cái gì bố mẹ cũng không đúng, kiếm được tý tiền đã tưởng mình là giỏi. Bố mẹ tác giả là công nhân mà mua nhà được ở TP HCM, lại nuôi ba anh chị em ăn học đàng hoàng phải nói quá giỏi. (manhtung310322)
Nhà bác tôi nhiều đất đai nhưng giờ ăn cơm nước mắm cầm hơi
Tác giả nên giữ lương, giữ đúng phong độ hiện tại. Việc em đang làm là đúng quỹ đạo rồi. Không việc gì lăn tăn cả. Bố mẹ tôi cũng có lý lẽ riêng, ông bà nghèo khó, giờ thấy con không tiết kiệm giống mình nên khó chịu. Thế nhưng cuộc sống không thể có 10 đồng chỉ ăn một đồng, đến lúc ốm đau nằm đấy, có tiền cũng không ăn được.
Nhà bác chị có rất nhiều đất đai, hai bác cũng tiết kiệm, nuôi con khôn lớn. Lúc đất sốt, người ta trả bác 80 tỷ đồng cho một đám đất, bác cầm lên đặt xuống không bán. Đến khi Covid ập đến suýt mất mạng, giờ kinh tế lại khó khăn, đất không bán được, bác cũng già cả rồi. Dù cho có bán đám đất kia, bác cũng còn rất nhiều đất 2 ha) nhưng không chịu bán, giờ bán không được. Bác giờ ăn cơm với mắm, cầm hơi sống qua ngày. Bác tiếc hùi hụi, giá ngày đó bán đi mà hưởng tuổi già. Đất đai giờ đầy ra mà ngồi ăn cơm với mắm đấy. (Tạ Lệ Nga)
Hàng xóm tiêu hết sạch tiền của hai cô con gái nhờ giữ hộ
Cô hàng xóm nhà mình có hai đứa con gái, đi làm được bao nhiêu tiền cô giữ hết, cô cũng nói sau này lấy chồng sẽ trả cho mà lấy vốn làm ăn. Đến lúc hai đứa con đi lấy chồng, cô bảo tiêu cho công việc hết rồi. Mình không biết mẹ bạn thế nào, có thể mẹ bạn vất vả quá rồi nên muốn thay con vun vén, tích trữ từ trước để sau này con có vốn làm ăn, sau này mẹ sẽ hoàn trả toán bộ cho bạn thì bạn cũng có một số vốn kha khá. Nhưng nói thật, mình không thích đưa tiền cho mẹ giữ, kể cả là mẹ đẻ.
Tiền lương của mình, mình nên tự học cách quản lý và chi tiêu sao cho hợp lý. Người trưởng thành rồi, đi làm tháng mấy chục triệu đồng mà lại phải đưa hết cho mẹ rồi đợi mẹ cho lại 1-2 triệu đồng nghe nó buồn cười lắm. Mỗi tháng bạn chỉ nên đóng góp tiền sinh hoạt và biếu bố mẹ một ít, còn lại tự giữ lấy. Có tiền trong tài khoản cũng là một cách để mình tự tin hơn, vui vẻ, yêu đời hơn. Không có tiền mình cũng tự nhiên biến thành người tự ti, hèn mọn. (thichcommentdao1111)