Quê tôi vùng đất chiêm chũng quanh năm nắng gió, người dân phải oằn mình chống chọi với cái khắc nghiệt của thiên nhiên. Mặc dù điều kiện sống khó khăn nhưng với nghị lực sống và sức sống mãnh liệt, thiên nhiên không thể quật ngã được những con người nơi đây. Gia đình tôi làm nông nghiệp, năm nào nếu thời tiết thuận lợi thì đủ ăn nhưng thời tiết không thuận năm đó sẽ bị đói. Bố mẹ tôi làm lụng cả ngày nhưng cũng chỉ đủ duy trì cuộc sống hàng ngày và trong gia đình vất vả nhất có lẽ là mẹ.
Mẹ tôi, người phụ nữ tần tảo, mẹ không quản ngại khó khăn cả ngày ngoài đồng ruộng chăm chút cho cây lúa mong sao cho tốt tươi, cho một mùa màng bội thu, ngoài những lúc mùa màng nhàn rỗi mẹ thường đi chợ bán hàng thêm từng mớ rau, con cá để cải thiện bữa ăn gia đình. Ngày thường đã vậy thì ngày tết mẹ càng vất vả hơn, để lo cho cả gia đình một cái tết thêm đầy đủ hơn một chút mẹ phải lao động nhiều hơn, bươn trải nhiều hơn.
Những ngày cuối năm càng gần Tết trời càng rét buốt, giá lạnh nhưng hôm nào mẹ cũng dậy từ sáng sớm nấu cơm cho vào cặp lồng, rồi dắt xe đạp đi từ rất sớm vì đi muộn khi đến các ao cá sẽ bị người ta mua hết. Cá sau khi được mua ở các ao mẹ chở quãng đường 10 km xuống thành phố bán. Hôm nào gặp khách thì bán hết sớm, hôm nào ế đến 12h trưa là mẹ vẫn còn phải ngồi chờ khách mua cho hết. Bán xong, mẹ thu dọn đồ đạc rồi vào gốc cây ngồi nghỉ, bỏ cặp lồng cơm nấu từ sáng ra ăn, thức ăn chỉ là 1 ít rau, muối lạc là xong bữa. Đến khoảng 3h chiều, mẹ lại lên bờ sông chờ các thuyền đánh cá về, mua cá của họ xong mẹ lại tất tả đạp xe thật nhanh xuống chợ, hay lề đường... miễn sao những chỗ có người mua để bán.
Để cá không bị chết, bàn tay mẹ lúc nào cũng phải vỗ nước cho cá thêm oxy và khi có khách mua là phải có dao, thớt làm cá ngay cho khách. Nhiều hôm mẹ đi chợ về nhìn mẹ mệt mỏi, quần áo lấm lem đất, cả người bốc lên mùi tanh của cá, đôi bàn tay sưng phồng trắng nhợt nhạt do ngâm nước lâu, chằng chịt các vết xước khi mổ cá mà tôi thấy nghẹn ngào trong lòng quá. Tối đến, mẹ ngồi bên cạnh bóng đèn đỏ lừ nhặt từng đồng tiền lẻ, có những đồng nhàu nát, ướt nhoẹt thoang thoảng tanh tanh mùi cá, mẹ tính toán cho cả buổi chợ hôm đó, có những lần đi cả ngày vất vả mà không được lãi, mẹ lại thở dài, buồn thiu.
Ngày Tết đang đến gần kề, số tiền đi chợ hàng ngày tiết kiệm cũng không được bao nhiêu, nhưng tôi thấy năm nào mẹ cũng lo mua quà Tết biếu ông bà nội, ông bà ngoại trước sau đó mới lo đến nhà mình. Mẹ bảo: “Ngày Tết là con, là cháu thì phải biết nhớ tới ông bà, cha mẹ những người đã có công dưỡng dục”. Mặc dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng với sự chịu thương, chịu khó, lam lũ của mẹ mà tết nhà tôi vẫn đầy đủ thịt, bánh chưng, măng… chị em chúng tôi mỗi đứa cũng có một cái áo mới đi chơi Tết, mặc dù áo không phải đẹp lắm nhưng đó là công sức, mồ hôi, nước mắt của mẹ.
Câu chuyện của tôi là chuyện của mấy năm về trước, nhưng trong trí nhớ của tôi vẫn hiện lên rất rõ mỗi khi tết về. Giờ đây mẹ cũng đỡ vất vả hơn khi chị em chúng tôi đã khôn lớn, tự lo cho bản thân được, nhưng mỗi khi Tết về gia đình sum họp, tôi lại thầm cám ơn những hy sinh lớn lao của mẹ dành cho chồng, cho con để có một cái tết vui vẻ, sung túc, ấm áp tình thân. Mẹ là tuyệt vời nhất!
Cuộc thi "Mẹ mang xuân về" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Bạn có thể viết về tình yêu với mẹ, ý tưởng thiết thực để cảm ơn người sinh thành... Chương trình diễn ra trong 3 tuần từ ngày 27/12/2013 đến 16/1/2014. Độc giả gửi bài tham gia tại đây. |
Chu Thị Thu Trang